Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào không chỉ của người dân Phú Thọ mà của tất cả người dân Việt Nam, là minh chứng hùng hồn về một vùng đất tâm linh, hội tụ niềm tin sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Để có thêm một điểm nhấn quan trọng trong khu di tích đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào ta trong và ngoài nước. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để tỉnh Phú Thọ lập dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương, trên cơ sở cân nhắc lựa chọn địa điểm xây dựng và hình tượng nhân vật phù hợp với lịch sử và đảm bảo tính khái quát cao, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai cuộc thi “Sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương” tại khu di tích lịch sử Đền Hùng đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Sau một thời gian phát động cuộc thi, vừa qua Ban tổ chức đã nhận được 21 mẫu phác thảo, Hội đồng nghệ thuật đã làm việc một cách nghiêm túc khách quan, bám sát các tiêu chí cuộc thi lựa chọn được 3 tác phẩm vào vòng 2.
Từ những ý kiến của các thành viên Hội đồng nghệ thuật, Ban tổ chức đã trao đổi với các nhóm tác giả và sau 60 ngày hoàn thiện, nâng cấp đẩy sâu tác phẩm. Hiện nay cả 3 phương án tượng Hùng Vương đã được trưng bày tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhằm trưng cầu ý kiến nhân dân trong mùa lễ hội năm nay. Đó là các mẫu phác thảo mã số THV-04, THV-12, THV-19.
Về tác phẩm THV-04, hình tượng vua Hùng đứng uy nghi trên bệ trong khối quần thể các hình ảnh núi non, họa tiết thời đại Hùng Vương. Vua Hùng đứng trong tư thế chắc chắn khiến ta liên tưởng đến chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, chuyện Thánh gióng, thể hiện sự dũng mãnh của con người thời đại Hùng Vương, khai sơn phá thạch, chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Bên cạnh đó các khối phụ trợ của tác phẩm được khai thác từ họa tiết hoa văn trống đồng gợi cho ta thấy cảnh sông nước, những con thuyền lúa nước… Đặc biệt là vị trí trung tâm của tác phẩm tỏa ra những tia mặt trời, những đàn chim lạc bay lên, nói lên sự hưng thịnh của một thời đại huy hoàng, trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc…
Ở tác phẩm THV-19, hình tượng Vua Hùng đứng thẳng, vươn cao hiên ngang nét mặt vui tươi, thân thiện hướng tới nhân dân trong một quần thể đẹp, hài hòa. Các họa tiết trang phục được nghiên cứu kỹ phù hợp với lịch sử. Vua Hùng biểu hiện của một đấng quân vương, đặc biệt trên tay còn cầm những hạt thóc thể hiện Vua Hùng người dạy dân cấy lúa, mở ra lễ hội Tịch Điền từ ngàn xưa còn lưu truyền mãi tới ngày nay. Bên cạnh đó, bên hông người có chiếc rìu đồng - biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của vua thời đó (thủ lĩnh của các bộ lạc). Phía dưới Vua là cánh đồng lúa chín, trĩu bông, ẩn hiện trong làn mây, lớp nước hình cánh chim lạc. Nhìn từ mọi góc độ tất cả tạo nên một tổng thể thống nhất, một thế tựa vững chãi cho vị vua Tổ. Ở đây sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa điêu khắc hiện đại với các họa tiết trống đồng khá thành công. Phần bệ tương với các chiều phù hợp gồm 2 khối tròn, vuông (trời tròn, đất vuông) bằng ngôn ngữ phù điêu tả cảnh sinh hoạt của cư dân thời đại Hùng Vương…
Ở tác phẩm THV-12, khác với 2 phác thảo trên, hình tượng Vua Hùng chiếm lĩnh toàn bộ không gian tạo sự vĩ đại của một vị vua Tổ khai quốc. Ý tưởng của tác giả muốn thể hiện Vua Hùng toát lên sức mạnh bên trong (sức mạnh nhân tâm) - một đặc trưng của hình thức tượng tâm linh. Vua Hùng dang rộng cánh tay như muốn đón nhận, ôm ấp con lạc cháu hồng vào lòng, thể hiện vị thế chủ quyền quốc gia. Các trang phục mũ lông chim với 9 chiếc lông, như những tia mặt trời trong buổi bình minh dựng nước. Con số 9 còn là con số đặc biệt gợi nhớ câu chuyện tìm báu vật (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh). Như muốn nói lên sức mạnh của con người thời đó đã biết chế ngự thiên nhiên chiến thắng kẻ thù... Chiếc áo da thú khoác trên người Vua hàm chứa sức mạnh chiến thắng, thắt lưng hình rùa có khóa vòng cung, các giáp ống tay, ống chân, hình tượng giao long phù hợp với phần bệ tượng, kết nối trong một hình thức thông nhất. cách điệu đẹp ăn nhập chuyển động khi tỏ, khi mờ tạo cảm nhận cho người xem về linh khí đất trời. Khối tròn, khối vuông phần chính bệ, biểu tượng của Âm - Dương vũ trụ liên tưởng đến truyền thuyết bánh trưng - bánh giày, mở rộng hơn là khối bát giác (bốn phương - tám hướng) cùng với bốn cánh cửa tròn theo hình tượng nhà Đông Sơn đón nhận khí thiêng sông núi hội tụ…
Với kết quả này, có thể nói cuộc thi đã thành công, điều đó cũng nói lên sự nhiệt tình tham gia, tình cảm về đầu tư công sức, tâm huyết của các tác giả, nhóm tác giả với vị vua Tổ. Có thể chủ quan mà nói cả 3 tác phẩm này đều khá thành công trong tạo hình về một nhân vật lịch sử đặc biệt - vị Vua Tổ của người Việt, cho dù phương án nào được lựa chọn để dựng tượng cũng xứng đáng.
Hy vọng tượng đài Vua Hùng uy nghi hoành tráng xứng tầm quốc tế, như lời của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, khi cho ý kiến về xây dựng tượng đài Vua Hùng, sẽ sớm trở thành hiện thực. Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, sự đồng thuận ủng hộ công sức của đồng bào ta trong và ngoài nước, về một công trình tâm linh, công trình thế kỷ của thời đại Hồ Chí Minh tri ân công đức Tổ tiên, công trình sẽ là niềm tự hào của người dân nước Việt, về một biểu tượng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cho khát vọng hòa bình độc lập tự do.
Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng năm Bính Thân 2016, đồng bào và du khách thập phương về dự lễ hội, sẽ thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình bằng việc dành thời gian đến thưởng thức 3 mẫu phác thảo này. Cân nhắc bỏ phiếu cho 1 trong 3 phương án trên giúp hội đồng nghệ thuật có cơ sở trong thẩm định lựa chọn.