Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng tạo, không máy móc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (15/10), Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định về "đánh giá học sinh (HS) tiểu học" không dựa trên điểm số chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn khá nhiều phụ huynh, giáo viên (GV) cho rằng, việc đánh giá này sẽ thiếu hiệu quả, không chính xác, vô hình chung làm giảm động lực phấn đấu của HS.

Giảm ý thức phấn đấu

Đề cập đến việc không chấm điểm ở bậc tiểu học, anh Trần Tuấn (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) có con học lớp 3 bày tỏ: "GV cho điểm thì vẫn yên tâm hơn, bởi qua đó, chúng tôi mới biết được kết quả học tập của con hàng ngày, từ đó có biện pháp giúp con tiến bộ hơn. Theo tôi, chỉ nên bỏ chấm điểm lớp 1, còn từ lớp 2 trở đi thì duy trì cách chấm điểm để các cháu có ý thức phấn đấu và bản thân bố mẹ cũng dễ dàng kiểm soát được lực học của con". Đồng quan điểm, chị Bích Nga có con học lớp 4 trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) cho rằng: Tôi thấy việc GV chỉ nhận xét HS bằng những lời động viên chung chung như: "Con cần cố gắng", "Con có tiến bộ", "Bài làm chưa đạt"… rất khó biết được học lực thực sự của con.

 
 
Giờ học môn tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. 		Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học môn tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Chính việc nhận xét chung chung, đánh đồng giữa HS giỏi và HS trung bình dễ làm HS giảm nỗ lực phấn đấu học tập. Ngoài ra, việc thay đổi này cũng gây tốn kém, vất vả cho GV, đặc biệt là GV bộ môn. Nếu GV bộ môn dạy 15 lớp thì ít nhất phải có 30 quyển sổ để ghi tên từng HS, lời nhận xét.

Tăng trách nhiệm của giáo viên

Phải thừa nhận rằng, việc xóa bỏ quy định chấm điểm sẽ giảm áp lực đối với HS tiểu học. Việc đánh giá của GV sẽ bao quát từ sự hình thành, phát triển một số năng lực và phẩm chất của HS. Còn việc chấm điểm chỉ thực hiện ở bài thi giữa kỳ, cuối kỳ I và cả năm. Theo cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), toàn bộ GV nhà trường đã được tập huấn, hướng dẫn cách đánh giá đối với HS. Nếu đọc kỹ và hiểu Thông tư 30 thì thực hiện không khó. "Theo tôi, việc đánh giá sẽ tăng thêm trách nhiệm của GV đối với HS, GV sẽ bao quát từ sự hình thành, phát triển một số năng lực và phẩm chất của từng em để giúp các em phấn đấu học tập. Có thể GV sẽ vất vả hơn, nhưng hiểu và có cách làm linh hoạt sẽ không khó" - cô Phương Thị Thìn nhận định.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: "Thực tiễn hiện nay, việc kiểm tra còn tồn tại. Chúng ta từng nghe, chứng kiến có HS lớp 5 tự tử vì điểm kém. Nhiều phụ huynh có con đi học chịu áp lực về điểm. Để giải quyết thực tiễn đó, chúng ta sẽ thực hiện cách đánh giá HS sáng tạo và không máy móc". Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, trong đó có khâu đột phá mà Bộ đã chọn là đổi mới kiểm tra đánh giá.