KTĐT - Những ly vang trắng không giúp mọi bàn ăn tối trở nên thanh nhã hơn nhưng đã trở thành biểu tượng của lối sống thành thị và sành điệu tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Vang trắng hạng sang đang ngự trong những quán ăn sang trọng và thời thượng ở Thượng Hải hay Bắc Kinh, trở thành biểu tượng của lối sống sành điệu ở Trung Quốc.
Trong quán cafe Haagen Dazs giữa trung tâm Thượng Hải, những thị dân giàu có đang cân nhắc dùng Rum Raisin hay Cookies 'n Cream để đi kèm Late Harvest Sauvignon Blanc của Chile.
Những ly vang trắng không giúp mọi bàn ăn tối trở nên thanh nhã hơn nhưng đã trở thành biểu tượng của lối sống thành thị và sành điệu tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Hầu hết những người dùng vang trắng là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, nhưng trào lưu này bắt đầu lan tới những thành phố hạng hai và hạng ba.
"Cứ bật TV lên mà xem, bạn nhìn thấy rượu vang ở khắp nơi", nhà tư vấn kinh doanh rượu ở Hong Kong Thomas Julien bình luận.
Những chai rượu nhập khẩu phải gánh thêm thuế nặng nằm ngoài tầm với của những khách hàng bình dân. Vì thế hơn 90% lượng rượu tiêu thụ tại Trung Quốc năm ngoái được sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, lớp khách hàng giàu có và say mê hàng hiệu ở Trung Quốc lại sẵn sàng tìm hiểu về rượu ngoại và kéo đến những quán bar hoặc cửa hàng của các nhà sản xuất hoặc phân phối rượu.
Trong khi các nhà sản xuất rượu nước ngoài có thể khó chịu khi phải kết hợp sản phẩm của họ với khẩu vị của người châu Á, các khách hàng Trung Quốc đi theo hướng riêng của họ.
"Không có khái niệm cụ thể khẩu vị châu Á là thế nào. Đó chỉ là câu nói cửa miệng mà thôi, là cụm từ chưa được định nghĩa", chuyên gia về rượu ở Hong Kong Jeannie Cho Lee bình luận.
"Loại rượu được nhiều người thích là rượu nhẹ, đừng đậm chất cồn hay acid quá. Tuy nhiên ngày càng nhiều người Trung Quốc đánh giá cao những loại rượu tốt và khẩu vị của họ không khác gì người Mỹ hay châu Âu", nhà sản xuất rượu Emma Gao Yuan, người từng học tại khoa nghiên cứu về rượu nho đầy danh tiếng của Đại học Bordeaux, cho biết.
"Thế nào là rượu vang hảo hạng ư? Đó là khái niệm mà người phương Tây chúng tôi sáng tạo ra thôi. Vang hảo hạng đối với người Trung Quốc là gì ư? Có lẽ Trung Quốc sẽ có loại vang tuyệt hảo của họ trong 20 hay 30 năm nữa. Tại sao khẩu vị của chúng ta phải mang tính toàn cầu? Nghe thật là ngạo mạn", nhà tư vấn rượu quốc tế Michel Rolland nói.
Ngoài chuyện rượu vang được gắn với phong cách và sự lãng mạn, vang đỏ còn được cho là tốt cho sức khỏe. Quan điểm đó càng được củng cố trong chiến dịch của chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích người dân thay loại rượu gạo cổ truyền bằng vang. Thậm chí, chính phủ còn cấm dùng rượu gạo tại các bữa tiệc.
Còn Gao, điều cô quan tâm không hẳn là sức khỏe. Cô cho rằng những ấn tượng về rượu tây đến từ phim ảnh. "Một chai vang cùng một cô gái đẹp, sự lãng mạn, hài hước, tình yêu, xa xỉ. Rượu là cách tốt nhất để bắt đầu một đêm", cô nói.