Tuy nhiên, nhiều người dân đã quay sang "chê" mô hình này bởi chính những vụ kiện cáo, tranh cãi triền miên về mức phí, chất lượng dịch vụ tại các chung cư, kể cả những nơi được đánh giá là cao cấp nhất. Cơ quan quản lý ở đâu? Liên quan đến phí quản lý chung cư, có rất nhiều văn bản quy định. Dưới Nghị định của Chính phủ là các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý - ở đây là Bộ Xây dựng. Theo Nghị định 71/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, nội dung quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở có nêu rõ một nội dung liên quan đến phí quản lý chung cư sau này, đó là: "Phương án tổ chức quản lý, vận hành, khai thác dự án, quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đầu tư xây dựng (mô hình tổ chức, hình thức quản lý, các loại phí dịch vụ)". Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng quy định rõ: Mọi nhà chung cư đều phải có Bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư với nội dung: "Các khoản phí, mức phí phải đóng góp dùng cho công tác quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư và các loại phí hợp lý khác". Thêm vào đó, Bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư phải quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định khác. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Phải chăng đây lại là "lỗi thường gặp" buông lỏng quản lý. Bởi nếu chủ đầu tư làm đúng và đến nơi đến chốn như quy trình của các văn bản quy phạm pháp luật trên thì đâu đến nỗi tranh cãi, kiện tụng triền miên. Bên cạnh các quy định về quản lý, Bộ Xây dựng cũng đã có quy định về xếp hạng nhà chung cư. Nếu như cơ quan quản lý đứng ra đánh giá và xếp hạng cho các công trình (trong đó bao gồm cả phần xây dựng và quản lý) thì người dân cũng sẽ dễ dàng đồng tình với những mức phí thể hiện đúng tiêu chí "tiền nào, của nấy". Thực tế, khi xây dựng, nhiều chung cư được chủ đầu tư gắn mác "cao cấp" một cách bừa bãi nên dịch vụ quản lý sau này cũng tương tự. Có chuyên gia đã đưa ra đề xuất, chính quyền nên cụ thể hoá các quy định quản lý nhà chung cư và giá dịch vụ. Đồng thời, có các mức chế tài như rút giấy phép kinh doanh, xử phạt đối với các chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành. Trăm họ về một nhà… Tạo dựng một dự án, xây dựng một công trình đồng nghĩa với việc chủ đầu tư để lại "dấu ấn", khẳng định thương hiệu và đẳng cấp của doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, thậm chí ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Vậy nhưng, xây xong những công trình cao ngất, hoành tráng, vấn đề hậu mãi có thể khiến cho người ta mất cảm tình với doanh nghiệp. Rõ ràng, doanh nghiệp không hề mong muốn xảy ra tranh chấp. Vấn đề ở chỗ, dịch vụ quản lý chung cư hiện còn đang "chấp chới", thiếu sự phân định rõ ràng giữa việc làm dịch vụ (có lãi) và phục vụ cho người mua sản phẩm của chính mình (thu đủ bù chi). Bên cạnh đó, cư dân ở nhiều khu đô thị đã từng xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư về dịch vụ. Không ít ý kiến cho rằng, sự việc trở nên căng thẳng nhiều khi không phải vì phí quá cao mà vì cách tiếp nhận và xử lý thông tin, thái độ đối với khách hàng của chủ đầu tư (!). Thông thường, các chủ dự án ban đầu thường chọn các công ty cung cấp dịch vụ quản lý chung cư của mình và trả phí cố định hàng tháng. Tùy vào đẳng cấp của chung cư, mức độ, chất lượng dịch vụ, công ty quản lý sẽ tính toán chi tiết tất cả các chi phí dịch vụ như điện, nước, bảo trì, an ninh, chăm sóc cảnh quan… Từ đó sẽ tính ra chi phí cho mỗi mét vuông mà cư dân sẽ phải đóng hàng tháng. Một yếu tố rất quan trọng là người dân cần xác định rõ mình muốn gì. Cách tính của các doanh nghiệp quản lý thường lại xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Vấn đề ở chỗ, do nhu cầu của cư dân khác nhau nên dễ xảy ra tranh chấp. Thực tế cho thấy, trong một cộng đồng cư dân luôn có người sẵn sàng trả phí rất cao để hưởng dịch vụ tốt, cũng có người chỉ mong chi phí càng giảm nhiều càng tốt. Rõ ràng, việc "làm dâu trăm họ" là cực khó song việc "trăm họ về một nhà" cũng khó không kém. Để "gỡ" vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ đầu tư (đơn vị quản lý) và có phần rất quan trọng thuộc về chính cư dân - những người mua nhà, trả tiền dịch vụ./.