Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp ban hành phương án chuyển đổi vàng méo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 17/8, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức cho biết, phương án chuyển đổi vàng miếng phi SJC cũng như vàng SJC cong vênh, móp méo... sẽ được ban hành trong một vài ngày tới.

 
Người dân khổ,  doanh nghiệp khó

Trả lời PV Báo Kinh tế & Đô thị chiều ngày 17/8, ông Nguyễn Công Tường- Phó phòng Kinh doanh sỉ - Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) cho biết, kể từ ngày 13/8, công ty đã ngừng mua vào vàng miếng SJC bị móp méo và đến hiện tại vẫn chưa có chủ trương tiếp tục mua vào loại vàng này. Lý do là từ ngày 25/5, Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng nên để gỡ khó và tránh hoang mang cho người dân, Hội đồng thành viên SJC đã quyết định thành lập quỹ tiền 200 tỷ đồng (vay từ ngân hàng) dùng để thu mua vàng miếng móp méo từ thị trường. Tuy nhiên, vàng mua về chỉ để cất kho trong khi nếu tính lãi suất vay 13%/năm, mỗi tháng SJC phải "gánh" khoảng 460.000 đồng/lượng lãi vay ngân hàng. "Đó là chưa kể những rủi ro về giá. Giá thị trường lên hoặc ổn định thì không sao, nhưng nếu giá xuống, DN sẽ lỗ nặng"- ông Tường cho biết.

Không chỉ vàng cong vênh mà vàng miếng các thương hiệu khác ngoài SJC cũng chịu cảnh cùng chất lượng nhưng giá cách nhau một trời một vực. Ngày 17/8, trong khi vàng miếng SJC giá mua vào 42,47 triệu đồng/lượng thì Vàng Rồng Bảo Tín Minh Châu chỉ mua vào chưa đến 41 triệu đồng/lượng. Hai thương hiệu này "vênh" nhau hơn 1,4 triệu đồng/lượng.


Sắp ban hành phương án chuyển đổi vàng méo - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa (Internet)

Đừng bán vội

Trước tình trạng trên, chiều 17/8, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cho biết, NHNN đang gấp rút hoàn thành để có thể ban hành ngay trong một vài ngày tới các quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất vàng miếng SJC. Trong đó sẽ bao gồm cả các quy định về chuyển đổi vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như chuyển đổi các loại vàng miếng nhãn hiệu khác thành vàng miếng SJC. "Nguyên tắc chung của các quy định nói trên là tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều được chuyển đổi thành vàng SJC. Do vậy, doanh nghiệp và người dân yên tâm, không nên vội bán với giá thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi"- ông Hưng nói.

Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực từ 25/5 nhưng đến nay, đã gần 3 tháng, phương án xử lý các vấn đề như chuyển đổi vàng phi SJC thế nào, vàng méo, vàng cong vênh thế nào... vẫn chưa được NHNN chính thức đưa ra. Sự bị động trong điều hành chính sách của cơ quan điều hành tiền tệ đã khiến người dân hoang mang, DN thì bị động, thậm chí bị lỗ do thiếu văn bản hướng dẫn. Đại diện Công ty SJC cho biết, Công ty này đã gửi văn bản xin ý kiến NHNN về việc xử lý hiện tượng vàng cong vênh hơn 2 tháng nay. Nhưng đến chiều 17/8, SJC vẫn chưa nhận được văn bản nào của NHNN trả lời về việc này.

Theo một chuyên gia kinh tế, NHNN nên sòng phẳng với người sở hữu vàng và DN. "Cùng là vàng miếng, chất lượng như nhau nhưng giá vàng không phải SJC và SJC vẫn chênh cả triệu đồng. DN ép giá người dân mua vàng với giá thấp là có lỗi, song không thể trách hay phạt họ được. Vì khi Nghị định có hiệu lực, Nhà nước độc quyền vàng miếng, DN có trách nhiệm phải mua lại vàng miếng do họ phát hành nhưng mua vào, họ cũng chỉ để trong kho vì không được sản xuất hay gia công nữa."- vị chuyên gia này bày tỏ.