Thông tin cổ phiếu của Tổng công ty rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Dư luận quan tâm vì gần đây Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) liên tục “giục” Bộ Công Thương phải niêm yết cổ phiếu Sabeco và Tổng công ty rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco). Bên cạnh đó, VAFI còn chỉ ra nhiều sai phạm tại Sabeco.
Sabeco tăng theo giờ
Trong suốt thời gian qua, cổ phiếu Sabeco thường xuyên giao dịch quanh mức 90.000 đồng/CP trên thị trường OTC. Nhưng ngay sau khi Sabeco chủ động đề nghị niêm yết cổ phiếu, cổ phiếu Sabeco đã nóng lên rõ rệt.
Lệnh mua với khối lượng lớn xuất hiện cùng với mức giá rục rịch tăng. Từ ngày 18/9, giá đặt mua Sabeco tăng từ khoảng 90.000 đồng/CP lên khoảng 100.000 đồng/CP. Lệnh mua có khối lượng dao động từ 20.000 đơn vị tới 200.000 đơn vị. Số lượng lệnh đặt mua tăng lên đáng kể, trong khi lệnh đặt bán rất hiếm hoi.
Tới ngày 27/9, giá Sabeco vọt lên sát 105.000 đồng/CP. Sang ngày 28/9, thông tin Bộ Công Thương chấp thuận Sabeco niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM được công bố giúp cổ phiếu Sabeco tăng theo giờ.
Nếu đầu giờ sáng, giá mua cổ phiếu Sabeco dao động từ 103.000 đồng/CP tới 108.000 đồng/CP thì tới cuối ngày, mức giá được đẩy lên 113.000 đồng/CP. Tuy nhiên, do giá bị đẩy lên cao nên nhà đầu tư cũng dè dặt hơn. Khối lượng lệnh mua chỉ dao động từ 50.000 đơn vị tới 100.000 đơn vị.
Trong khi đó, rất ít người đặt bán cổ phiếu Sabeco. Người đăng ký bán gần nhất là vào ngày 15/9. Khối lượng đặt bán là 230.000 đơn vị, với mức giá đề xuất 95.000 đồng/CP.
Có thể thấy, giá Sabeco đang tăng mạnh nhưng chưa thực sự sốt vì lượng người tham gia giao dịch không nhiều. Bên bán gần như “tiết cung”, trong khi bên mua chỉ có trên dưới chục lệnh với khối lượng không phải quá lớn.
Có thể thấy, trên thị trường OTC, chưa thấy có dấu hiệu các “tay to” gom hàng. Các “ông lớn” ngoại có lẽ không quan tâm tới OTC mà “xếp hàng” mua vốn Nhà nước ở Sabeco. Trước đó, Sabeco cho biết đã có 7 công ty nước ngoài đăng ký mua cổ phần nhà nước sẽ bán.
Trong 7 công ty bia nước ngoài đang muốn cổ phần của Sabeco, có các đại gia làng đồ uống như Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch và SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản, Singha và Thai Beverage của Thái Lan.
Nếu tính theo giá cổ phiếu Sabeco mới nhất trên thị trường OTC thì vốn hóa thị trường Sabeco đạt khoảng 71.000 tỷ đồng.
Habeco giậm chân tại chỗ
Cùng bị VAFI “giục” phải niêm yết như Sabeco, nhưng tới nay, Habeco vẫn chưa được Bộ Công Thương cho phép “lên sàn”. Vì vậy, cổ phiếu Habeco dù có “ăn theo” Sabeco nhưng đà tăng rất nhẹ, chưa tạo được sức nóng.
Cụ thể, trong nhiều tháng qua, trên thị trường OTC, cổ phiếu Habeco chỉ giao dịch quanh mức trên 40.000 đồng/CP. Tuy nhiên, do “ăn theo” Sabeco, tới ngày 27/9, giá Habeco tăng dần lên 48.000 đồng/CP.
Giá tăng nhưng cầu Habeco không được cải thiện. Thỉnh thoảng mới có người đặt mua cổ phiếu này với khối lượng chỉ khoảng 50.000 đơn vị. Thậm chí, trong ngày 28/9, nhà đầu tư chỉ tập trung vào Sabeco mà “bỏ quên” Habeco. Không lệnh đặt mua Habeco nào được nhà đầu tư đưa ra.
Tình trạng bên bán còn ảm đạm hơn. Gần như không có ai muốn bán ra, cả Sabeco hay Habeco. Vì vậy, rất ít giao dịch được “khớp lệnh”. Dù vậy, Habeco hoàn toàn có thể “nóng” hơn nữa nếu cổ phiếu Habeco cũng có quyết định “lên sàn” như Sabeco.
Hiện tại, mặc dù tại Habeco không xảy ra tình trạng đại gia ngoại “xếp hàng” chờ mua vốn Nhà nước như tại Sabeco nhưng Habeco vẫn khá “đắt khách”. Trong đó, đáng chú ý nhất là Carlsberg. Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Habeco, Carlsberg vẫn ôm tham vọng “theo đuổi” để nâng tỷ lệ sở hữu từ hơn 17% lên 30%.
Tuy nhiên, “mối lương duyên” với Carlsberg không được Habeco đánh giá cao nên không rõ ông lớn bia ngoại có đạt được mục đích thâu tóm Habeco hay không.