Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 32: “Liều thuốc” chưa đủ mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến thời điểm này, Nghị quyết 32 của Chính phủ về kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), đã được các bộ, ngành, địa phương trên cả nước thực hiện được 4 năm với nhiều biện pháp mạnh, tuy nhiên có thể nhận thấy là kết quả vẫn chưa như mong đợi. Bởi thực tế, nhìn vào số vụ TNGT và số người chết có giảm, nhưng số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn thảm khốc lại có xu hướng gia

TNGT tăng giảm "phập phù"

 

Dẫn chứng rõ nhất là năm 2009, số vụ TNGT giảm được 837 vụ so với năm trước, nhưng đến năm 2010 lại tăng lên 1.915 vụ, với mức tăng lên đến 16,2%. Và từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 23.065 vụ tai nạn, làm chết 5.662 người, bị thương 25.662 người. Đặc biệt, có 53 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 166 người chết, 185 người bị thương. Có thể kể ra đây những vụ TNGT kinh hoàng trong tháng 6 tại đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương làm 8 người chết, hay tại Hà Tĩnh chỉ trong tháng 7 đã có 4 vụ TNGT nghiêm trọng làm hàng chục người chết. Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng hướng dẫn tuyên truyền, Cục CSGT Đường bộ - đường sắt cho biết, có tới 70,4% số vụ TNGT có nguyên nhân chủ quan của con người như đi sai phần đường, tránh vượt sai qui định, vi phạm tốc độ... Chỉ có gần 30% nguyên nhân là do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và các nguyên nhân khác. 80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai qui định, thiếu chú ý quan sát.

 

Có thể khẳng định, từ trước tới nay, chưa có bộ luật nào được tuyên truyền sâu rộng như Luật Giao thông, song hiệu quả thì rất thấp. Sự ngược đời là ở chỗ, "mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến và cưỡng chế thi hành pháp luật đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông" (nhận định của Tổng cục Đường bộ), nhưng qua phân tích nguyên nhân TNGT từ 2007 đến nay, chủ yếu lại là do người điều khiển phương tiện như, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, tránh vượt sai qui định... Vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nhìn nhận đúng đắn, nhưng khó có thể đánh giá hiệu quả đến đâu. Hiện nay mới chỉthống kê bao nhiêu hội nghị được tổ chức, bao nhiêu đối tượng được tuyên truyền, bao nhiêu sách, tờ rơi được phát ra… Còn bao nhiêu người biết qui định của luật, hiểu đúng và chấp hành mới là thực tế thì không ai tính được - Thượng tá Sơn nói.

 

Mỗi năm có trên 6 triệu trường hợp vi phạm

 

Theo Thượng tá Trần Sơn, mỗi năm, riêng lực lượng CSGT đã xử lý trên 6 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông với các lỗi chủ yếu là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: sử dụng rượu bia quá nồng độ, tránh vượt không đúng qui định, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm... Con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ những vi phạm thực chất đang diễn ra, bởi với lực lượng quá mỏng, hiện CSGT cũng chưa thể quán xuyến hết công việc. Tính toán của Cục CSGT cho thấy, riêng quốc lộ và tỉnh lộ, mỗi chiến sĩ cảnh sát phải phụ trách 30 - 40km đường. Chưa kể đến trang thiết bị còn thiếu như: máy đo tốc độ vào ban đêm, camera giám sát tĩnh, cân tải trọng, máy đo nồng độ cồn vừa thiếu vừa hỏng hóc...

 

Chưa hết, theo điều tra các vụ TNGT thảm khốc trong thời gian qua thì nguyên nhân chính là do lái xe chủ quan (tình trạng lái xe không đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe, không tuân thủ qui định không điều khiển xe quá 4 tiếng/ca, 10 tiếng/ngày là phổ biến). Ông Phạm Quang Vinh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ cho biết, những năm qua ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức được đẩy mạnh, chế tài xử phạt cũng đã tăng lên. Riêng ở các đô thị đặc biệt, mức xử phạt đã tăng từ 40% đến 200% so với trước. Tuy nhiên, "liều thuốc" vẫn chưa đủ mạnh. Trong kế hoạch cho thời gian tới, các cơ quan chức năng đã đề cập đến việc phải xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, kiến nghị với Nhà nước phải đưa chương trình giáo dục về Luật Giao thông là môn học chính trong các cấp học phổ thông. Xem xét đưa việc chấp hành Luật Giao thông là một trong các tiêu chí cứng để đánh giá công chức và bình xét thi đua hàng năm, nhằm đưa cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông vào cuộc sống.

 

*Một điểm chung trong các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian gần đây là xảy ra vào buổi đêm và sáng sớm. Lúc này, lái xe thường mỏi mệt, buồn ngủ và thiếu vắng sự giám sát của lực lượng chức năng. Hiện phổ biến việc các chủ xe không quan tâm đến an toàn, chỉ chú tâm đến lợi nhuận, lái xe dưới sức ép của công việc thường làm việc quá lâu, vi phạm các nguyên tắc an toàn, phóng nhanh vượt ẩu.

 

Ông Thân Văn Thanh

 

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQuốc gia

 

*Giao thông Việt Nam là giao thông hỗn hợp, trên các tuyến đường có rất nhiều tình huống có thể xảy ra, kể cả những tuyến đường mới xây dựng, nên khi tới những điểm giao cắt cùng mức,nếu lái xe không làm chủ được tốc độ, gặp sự cố, lái xe không thể xử lý kịp thìtai nạnxảy ra cũng là điều khó tránh.

 

Thượng tá Trần Sơn

 

Phó phòng hướng dẫn tuyên truyền, Cục CSGT Đường bộ - đường sắt