Khối FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo Thông tin trên được bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đưa ra tại buổi họp giao ban sản xuất, kinh doanh 4 tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (27/4). Bà Hiền cho biết, tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng 3. Như vậy sau 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 15 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 35,1 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014. Về cơ cấu hàng hóa trong 4 tháng, nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương mức giảm 582 triệu USD. Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 46,7% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương với giảm 1,41 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến với mức tăng 15,9%, tương đương giá trị gần 39 tỷ USD đã bù lại sự sụt giảm của hai nhóm hàng trên. Về thị trường, lãnh đạo Vụ Kế hoạch cho biết, 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu khẩu vào thị trường Mỹ tăng 15,5%; xuất khẩu vào EU tăng 10,6%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 2,7%; xuất khẩu vào Nhật Bản giảm 5,8% và xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 1,2%. Ở chiều ngược lại, theo báo cáo của Vụ này, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 2,3%so với tháng Ba. Lũy kế 4 tháng, nhập khẩu ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 32,3 tỷ USD, tăng 27,8% còn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 20,7 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, nhập khẩu hàng hoá 4 tháng của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu cũng nhập khoảng 2 tỷ USD, tăng 13,9%, trong khi nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tháng Tư ước nhập siêu 600 triệu USD, giảm 57% so với tháng trước, bằng 4,1% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, nhập siêu khoảng 2,99 tỷ USD, chiếm 6% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 5,7 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 2,7 tỷ USD. Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp nội Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đã có sự phục hồi trở lại, nhưng theo các kiến nghị tại buổi giao ban, để hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm Bộ Công Thương cần có những giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Trần Minh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, theo quy định trước đây, những doanh nghiệp nào có đủ điều kiện về thị trường, bạn hàng thì được phép xuất khẩu gạo, không cần qua trung gian, nhưng nay quy định được siết lại dẫn đến dù gạo dư thừa cũng khó xuất đi được. Ông Nhung kiến nghị, Bộ Công Thương xem xét nới lại quy định trên theo hướng, nếu có liên kết Chính phủ thì bắt buộc phải qua hiệp hội lương thực, còn không nếu doanh nghiệp có thị trường và bạn hàng thì cần linh hoạt, cho phép đẩy mạnh tiêu thụ. Ngoài ra, kiến nghị về thủ tục hành chính cũng được lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra, theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, Bộ Công Thương cần phối hợp với ngành hải quan để việc thông quan điện tử đạt hiệu quả hơn, giảm thời gian chờ đợi ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu. Năm 2015, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7,8-7,9% so với năm 2014; Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014; Nhập siêu dưới 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong những tháng còn lại, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng tập trung các giải pháp ưu tiên cho việc tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, xem xem cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp. Thứ trưởng yêu cầu Cục xuất nhập khẩu nghiên cứu kỹ diễn biến thị trường trong thời gian qua để có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu dưới 5%, đặc biệt là đầu ra cho nông sản, đồng thời rà soát kỹ các mặt hàng tiềm năng để có giải pháp xúc tiến thương mại tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh. "Các đơn vị sản xuất cần tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tiết cung cầu thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh. Các đơn vị sản xuất có sự phối hợp, cung ứng đủ, kịp thời hàng hóa cho xã hội," thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |