Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau 5 năm gia nhập WTO: Khó trụ vững nếu thiếu bản lĩnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam hội nhập và phát triển, nếu không có bản lĩnh, doanh nghiệp (DN) sẽ khó lòng trụ vững trong WTO", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ như vậy tại cuộc tọa đàm với các DN Hà Nội sau 5 năm gia nhập WTO, tổ chức ngày 14/12.

Mới chỉ là điều kiện cần

Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, cộng đồng DN, trong đó có các DN của Hà Nội được hưởng lợi nhiều từ các cam kết mở cửa nền kinh tế. Họ cũng được tiếp cận với nhiều thiết bị công nghệ cao, học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một ví dụ. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Hapro như nông sản, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, rau quả chế biến... ít bị hạn chế bởi hàng rào kỹ thuật của các nước, đã tạo thuận lợi cho việc tập trung đầu tư, phát triển nguồn hàng xuất khẩu của Hapro. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro khẳng định, thị trường xuất khẩu của công ty đã mở rộng tới trên 70 nước, sắp tới còn vươn tới nhiều quốc gia khác. Tương tự, du lịch cũng là ngành tận dụng được tốt cơ hội mà hội nhập mang lại. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2011 tính tới tháng 9 đạt hơn 4 triệu du khách. Riêng Hà Nội, lượng khách quốc tế đến Thủ đô năm 2010 tăng mạnh với 1,7 triệu du khách, tăng 62% so với năm 2009. Mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì sang cả năm 2011. Số liệu đến tháng 9/2011 cho thấy, Hà Nội đã đón gần 1,4 triệu du khách.

Bên cạnh đó, hội nhập còn tạo cho môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng hơn, kích thích việc thành lập mới các DN. Theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2011, trên địa bàn có gần 19.000 DN trong nước đăng ký, tăng 1%, với số vốn đăng ký khoảng 159.600 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2010.

Ở khía cạnh khác, hội nhập cũng có những mặt trái, nhất là khi đa phần DN trong nước vẫn còn quá nhỏ bé, sức "đề kháng" còn yếu. Nhiều DN đang thua ngay trên "sân nhà", đặc biệt ở lĩnh vực tài chính và dịch vụ. Vì thế, tới đây nếu không biết đối phó, sẽ có nhiều DN bị "chết chìm".

Đâu là điều kiện đủ?

Tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống tài chính và các DN nhà nước đang là nhiệm vụ của Hà Nội và cả nước. Kinh tế Hà Nội tuy là một bộ phận của kinh tế cả nước song mỗi địa phương cũng có những nét đặc thù riêng, vì thế không nên sao chép nguyên bản mà chính quyền và các DN của thành phố cần đi sâu phân tích và có chủ trương thích hợp.

Cơ hội thì rất nhiều, quan trọng là chúng ta có trông thấy và nắm bắt được hay không. Ví như sau trận động đất và sóng thần ở trong nước, kế tiếp là trận lụt ở Thái Lan, rất nhiều DN Nhật Bản đã chuyển hướng đầu tư xây dựng nhà máy ở các quốc gia đang phát triển khác như Indonesia, các DN Việt Nam, DN Hà Nội không nên bỏ lỡ cơ hội hợp tác này. Hay như các cam kết gia nhập WTO và cam kết của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc hoặc việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực đầy đủ vào năm 2015 không chỉ đặt ra thách thức mà còn mở ra không ít cơ hội. "DN cần nhạy bén tận dụng cơ hội để "đón lõng" chứ không nên co mình, than vãn", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhắn nhủ.

DN phải "nhìn xa trông rộng" để thấy rằng xu hướng thế giới bây giờ là sản xuất những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Sau khủng hoảng, các nước chủ trương hạn chế chiến lược hướng quá mạnh vào xuất khẩu. Phương tiện thanh toán quốc tế đang có sự dịch chuyển khi đồng USD, đồng EURO đang khủng hoảng, đồng Yên lên cao... Ông Vũ Khoan cho rằng: "Những câu chuyện như vậy đều liên quan trực tiếp tới Hà Nội nói chung và DN Thủ đô nói riêng, không nên thờ ơ, coi như không liên quan tới mình".

Thành phố Hà Nội sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề xuất kiến nghị để giúp DN Hà Nội tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập, qua đó có nhiều đóng góp hiệu quả hơn nữa cho kinh tế Thủ đô. 

Ông Nguyễn Văn Sửu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội