Rằng, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á bằng tất cả sự nhiệt tâm và nguồn lực của mình.Sẽ có một Asiad hoành tráng tại Việt Nam vào 7 năm nữa. Nhưng, ngoài những con số có thể đong đếm được còn có rất nhiều bài toán cần lời giải.
Đầu tiên là việc, sau khi có được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, ai sẽ là người điều hành chúng. Và rằng, kế hoạch sử dụng hệ thống đó sau khi kết thúc Asiad sẽ thế nào? Bởi ai cũng biết, có rất nhiều cơ ngơi sẽ được dựng lên để phục vụ cho những môn thể thao mà ở Việt Nam không hề phổ biến.
Phải nghĩ đến điều này khi chứng kiến cảnh lôm nhôm, méo mó của Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Một Khu liên hợp hoành tránh, bề thế ở một vị trí đắc địa đã bị băm nhỏ bởi rất nhiều địa điểm kinh doanh và được lý giải bởi đó là chủ trương xã hội hóa thể thao?Thế nên, xây được các công trình thể thao đã khó, nhưng sử dụng chúng sao cho đúng mục đích và có ý nghĩa cho tương lai còn gian nan gấp bội. Bởi nếu không khéo, sau Asiad hoành tráng, các cơ sở vật chất sẽ được sử dụng một cách tùy tiện và không đem lại sức bật cho thể thao nước nhà.
Nói cho cùng, đăng cai một sự kiện lớn và tốn kém như Asiad, ngoài việc quảng bá hình ảnh đất nước còn mang đến cú hích cho thể thao nước nhà. Vì ai cũng biết, sau Asiad chúng ta sẽ có được một hệ thống cơ sở vật chất bề thế, làm bệ phóng cho sự phát triển của thể thao Việt Nam trong tương lai.Ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chiến lược cho thể thao của Việt Nam cần phải nghĩ ngay đến việc, sau Asiad 18, chúng ta sẽ có một diện mạo như thế nào? Tính ngay từ bây giờ có khi cũng đã là muộn rồi.