Cụ thể, giá bán cá thương phẩm giảm so với năm 2016 như giá cá rô phi xuống thấp so với cùng kỳ năm 2016 từ 5.000 -10.000 đồng/kg, sản lượng còn tồn đọng tương đối nhiều. Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã có công văn đề nghị gửi Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc đề nghị triển khai những khắc phục khó khăn và phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt.
|
Nuôi cá rô đầu vuông tại huyện Phú Xuyên. |
Trong đó, đối với việc tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT các tỉnh làm việc với DN chế biến, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ. Đồng thời tổ chức chương trình kết nối giữa các DN chế biến, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ cá thương phẩm cho thị trường. Ngoài ra, chỉ đạo các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, thúc đẩy việc ký kết hợp đồng tiêu thụ cá (chủ yếu là cá rô phi) với các cơ sở nuôi trồng thủy sản để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua cá cho người nuôi với giá hợp lý.
Đối với việc tổ chức chỉ đạo sản xuất, trước tình hình tiêu thụ các đối tượng cá nước ngọt, đặc biệt là cá rô phi gặp khó khăn, các địa phương cần xem xét cân đối quy mô sản xuất hàng hóa giữa cá rô phi và các đối tượng cá truyền thống, đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu trong nuôi thủy sản nước ngọt. Đồng thời phát triển nuôi các đối tượng cá nước ngọt theo đúng quy hoạch của ngành và của địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi trồng thủy sản, kinh doanh giống trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi, chất lượng giống, kiểm dịch. Đặc biệt, chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi và phòng chống dịch bệnh trên đối tượng nuôi và cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi.
Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, thực hiện công tác kiểm tra đánh giá phân loại cơ sở, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và các chứng nhận chất lượng khác, tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, được thị trường chấp nhận.