Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau thỏa thuận Lausanne, Trung Đông vẫn nóng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 8 ngày đàm phán căng thẳng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran cuối cù...

Kinhtedothi - Sau 8 ngày đàm phán căng thẳng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran cuối cùng cũng được đại diện P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức) và Iran thông qua tại Lausanne (Thụy Sĩ). Dù muộn hơn 2 ngày so với thời hạn chót 31/3 nhưng thỏa thuận Lausanne đã tạo tiền đề để đạt được thỏa thuận lịch sử vào ngày 30/6 tới, chấm dứt 12 năm đàm phán, trong đó có tới 18 tháng đàm phán nước rút về chương trình hạt nhân của Iran.

Mặc dù còn cả một chặng đường dài để đạt được thỏa thuận chính thức nhưng thỏa thuận Lausanne được coi là một bước tiến có ý nghĩa trong quá trình đưa Iran trở lại cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, các nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận Lausanne sẽ tác động tích cực tới tình hình an ninh chung ở Trung Đông vốn lâm vào tình cảnh bất ổn trên diện rộng như hiện nay. Những quy định nghiêm khắc nhằm kiềm chế sức mạnh của Iran sẽ được phương Tây nới lỏng, tạo điều kiện để Tehran đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết những hồ sơ nóng của khu vực.

 
Sau 8 ngày đàm phán căng thẳng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran cuối cùng cũng được đại diện P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức) và Iran thông qua tại Lausanne (Thụy Sĩ).
Sau 8 ngày đàm phán căng thẳng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran cuối cùng cũng được đại diện P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức) và Iran thông qua tại Lausanne (Thụy Sĩ).
Đối với nước Mỹ, cuộc đàm phán thâu đêm tại Lausanne đem lại kết quả như mong đợi đã giải tỏa những áp lực chính trị đang đè nặng lên vai Tổng thống Barack Obama. Thỏa thuận hạt nhân với Iran là liều thuốc thử quan trọng cho học thuyết ngoại giao dựa trên đối thoại để giải quyết bất đồng với các quốc gia được coi là thù địch với Mỹ của ông Obama. Kể từ lần đầu tiên đưa ra cách tiếp cận mới về Iran trong bài diễn văn nhậm chức năm 2009, ông Obama đã hứng chịu nhiều chỉ trích và sức ép từ các chính trị gia Cộng hòa đối lập và ngay trong nội bộ đảng Dân chủ về việc Tổng thống cố tình lờ đi những quan ngại của đồng minh, đối tác như Isarel, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)… để có được cho mình một dấu ấn ngoại giao. Và, dù con đường đàm phán để đạt được thỏa thuận toàn diện còn nhiều chông gai nhưng Tổng thống Mỹ đã đi được một nửa chặng đường trong việc khẳng định học thuyết ngoại giao kiểu mới của mình.

Tất nhiên, chặng đường đàm phán suốt hơn 12 năm qua về hồ sơ hạt nhân của Iran cho thấy thỏa thuận khung Lausanne chỉ là một bước tiến nhỏ trong cuộc đàm phán nước rút kéo dài trong 3 tháng tới. Sự khác biệt trong quan điểm và mâu thuẫn quyền lợi giữa các bên tham gia cuộc đàm phán là những yếu tố có thể cản trở một thỏa thuận cuối cùng. Chiến thắng của ông Obama sẽ buộc phe Cộng hòa phải ra tay nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của thỏa thuận tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Tiến trình đàm phán sắp tới còn chịu sức ép từ cuộc đấu đá nội bộ giữa phe cải cách - ôn hòa với phe bảo thủ - cứng rắn tại Iran, đe dọa từ phía Israel và một số quốc gia vùng Vịnh đang đối đầu với Tehran. Hiện chưa rõ thỏa thuận lịch sử chấm dứt cuộc đối đầu giữa Iran và phương Tây có đạt được hay không nhưng trước mắt, bầu không khí căng thẳng tại “chảo lửa” Trung Đông sẽ tiếp tục bị hâm nóng bởi vấn đề nhạy cảm này.