Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Scandal ơi đừng đến nhé

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 6/12, tại thành phố Nam Định, lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7 sẽ chính thức diễn ra.

Và sau sự kiện này, ngày hội của những người làm thể thao nước nhà sẽ bước vào những cuộc tranh tài được dự báo là vô cùng kịch tính. Thế nhưng, với sự khởi đầu không mấy êm ả của các môn được tổ chức trước, dư luận hy vọng rằng, những sự cố sẽ không nảy sinh để Đại hội về đích an toàn.

Khúc dạo đầu không êm ả

Trong chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc sẽ có 36 môn (45 phân môn). Sẽ có 7.493 VĐV (4.278 nam và 3.215 nữ), 1.795 trọng tài, 1.674 cán bộ, HLV của 63 tỉnh/thành và 2 ngành Công an và Quân đội tham gia tranh tài tại Đại hội. Tính đến thời điểm này, Đại hội đã tổ chức xong 5 môn là: bóng rổ, cầu lông, xe đạp, quần vợt, bắn súng và một số nội dung của các môn đua thuyền, bóng chuyền, bóng ném, cầu mây, thể thao dưới nước, bóng đá, thể dục. Có 60 đoàn đã giành được huy chương trong đó 39 đoàn có HCV.
Scandal ơi đừng đến nhé - Ảnh 1

Ảnh mang tính chất minh họa

Trên thực tế, những cuộc tranh tài của Đại hội đã chính thức bắt đầu. Thế nhưng, sự khởi đầu ấy không thật sự êm ả và đang tạo ra những hệ lụy không tốt trong dự luận. Hàng loạt sự cố đã xảy ra tại các môn thể thao khiến dư luận đang phải đặt câu hỏi về tính mục đích của sân chơi này. Những tranh cãi liên tiếp diễn ra khi các đoàn thể thao hoặc tranh cãi với nhau, hoặc tranh cãi với BTC Đại hội về quy chế, điều lệ giải. Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, liên tiếp các cuộc ẩu đả đã diễn ra ở môn vật khiến dư luận không khỏi bức xúc về lối hành xử thiếu chuyên nghiệp và giàu tính bạo lực của người giữa VĐV với trọng tài, giữa trọng tài với HLV.

Còn nhiều nỗi lo

Khi bước vào những nội dung chính của Đại hội, dư luận càng có cớ để trăn trở về khả năng về đích. Dù Đại hội TDTT thường xuyên diễn ra, ngành thể thao có nhiều kinh nghiệm tổ chức, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến thành công chung của sự kiện lớn.

Đầu tiên là tâm lý ăn thua của các đoàn thể thao có thể tạo ra những sự cố làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Đại hội. Nhiều người phê phán thái độ thiếu chuyên nghiệp của các VĐV, HLV khi đi quá giới hạn cho phép. Thế nhưng, cũng có ý kiến đặt ngược vấn đề là tại sao ngày càng có nhiều những hành vi phản ứng đối với trọng tài điều khiển trận đấu. Tại Đại hội TDTT toàn quốc, BTC giải phải sử dụng những trọng tài trong nước nên tính trung gian giảm đi. Thậm chí, các đoàn thể thao luôn mang tâm lý bị ép trong thi đấu nên rất dễ phản ứng tiêu cực.

Ngoài ra, cũng phải tính đến một vấn đề nhạy cảm mà đến này ngành thể thao vẫn chưa thể giải quyết triệt để, đó là kiểm tra doping. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục TDTT, tiểu ban sẵn sàng kiểm tra các trường hợp nghi ngờ có sử dụng  doping. Thế nhưng, một khó khăn đối với ngành thể thao đó là trung tâm kiểm tra doping mới được thành lập, máy móc và con người còn hạn chế nên không thể kiểm tra trên diện rộng. Và một khi chỉ có thể kiểm tra điểm, kiểm tra bất thường thì rất có thể, những hành vi tiêu cực sẽ bị lọt lưới.

Trước ngày khai mạc, địa phương đăng cai là Nam Định và lãnh đạo Tổng cục TDTT bật mí sẽ tổ chức một Đại hột tưng bừng và trọn vẹn. Hy vọng rằng, điều đó sẽ thành sự thực và các môn thể thao sẽ tranh tài một cách sôi nổi, an toàn, theo đúng tinh thần cao thượng, trung thực của thể thao.