SCIC cần tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu SCIC tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như xăng dầu, hàng không, đường sắt... nhưng đồng thời phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, đúng pháp luật.

Phát biểu kết luận tại buổi họp đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chiều 11/4, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu SCIC xác định hướng đi cho đúng, huy động đúng tiềm lực, đầu tư đúng để phát triển.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm việc với Tổng công ty SCIC. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận SCIC đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt hoạt động, góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.

Tuy nhiên, ông cho rằng, với vị trí và tiềm lực của mình, SCIC có thể làm được nhiều hơn nữa. SCIC cần hoàn thiện định hướng chiến lược để phát triển cho trúng, đúng, nâng cao vị trí, vai trò của SCIC trong hệ thống DN nhà nước nói riêng, ngành kinh tế của đất nước nói chung. Một mặt, SCIC phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, nhưng đồng thời phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, đúng pháp luật.

Phó thủ tướng lưu ý SCIC không nên ôm đồm quá nhiều DN địa phương chuyển về. Việc quản lý quá nhiều DN sẽ khiến SCIC không quản trị tốt được, trong khi thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến bán vốn khó khăn chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành…

"Đặc biệt, SCIC không nên đầu tư quá phân tán mà chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế như công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến thực phẩm, tài chính, xăng dầu, vận tải hàng không, đường sắt..." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

SCIC cũng phải xác định hướng đi cho đúng, huy động đúng tiềm lực, đầu tư đúng để phát triển. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tạm thời dừng những hoạt động không hữu ích. Hoạt động nào thích ứng được phải đẩy mạnh và quan trọng là phải có chiến lược đầu tư lâu dài. Các công ty con cần được cơ cấu lại, bán, cho thuê, sáp nhập, giải thể…, đảm bảo kinh doanh hoạt động theo hướng thị trường, bảo toàn vốn, tối đa hóa lợi nhuận.

Về công tác thoái vốn nhà nước, Phó thủ tướng yêu cầu SCIC phải được công bố công khai về chủ trương thoái vốn, mời các đơn vị tư vấn, thẩm định độc lập, định giá đúng giá trị của DN. 

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của SCIC về sửa đổi bổ sung Nghị định 32 và Nghị định 126. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo thẩm quyền hướng dẫn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cho phép SCIC triển khai xác định giá khởi điểm trên cơ sở ý kiến của tổ chức tư vấn thẩm định giá theo quy định. Trường hợp bán đấu giá, chào bán cạnh tranh không thành công, cho phép SCID áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù (hạ giá khởi điểm) quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC…

“Nguyên tắc thoái vốn là phải công khai, minh bạch, rõ ràng, tư vấn thẩm định đúng giá trị, không để dư luận đánh giá không tốt như thiếu công khai hay có lợi ích nhóm”- Phó thủ tướng lưu ý.

Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận được 1.068 DN với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỷ đồng, trong đó, năm 2019, tiếp nhận được 13 DN với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập SCIC đến nay.

Đến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 1.000 DN với giá vốn 11.169 tỷ đồng và thu về 47.306 tỷ đồng. Các DN thuộc diện bán vốn chủ yếu có quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn (bình quân cả nước là 1,48 lần).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần