Sẽ áp dụng trong năm học mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định đánh giá học sinh (HS) bậc tiểu học với nhiều điểm đổi mới (bỏ danh hiệu HS giỏi, tiên tiến và chỉ có điểm vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm…) sẽ được ban hành chính thức trước khai giảng năm học tới.

Quy định đánh giá học sinh (HS) bậc tiểu học với nhiều điểm đổi mới (bỏ danh hiệu HS giỏi, tiên tiến và chỉ có điểm vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm…) sẽ được ban hành chính thức trước khai giảng năm học tới. Đây là vấn đề được Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 của bậc tiểu học.

Không còn giấy khen

Theo quy định mới, HS bậc tiểu học sẽ được đánh giá sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, HS còn được đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực như tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học. Nội dung đánh giá bao gồm cả phẩm chất cơ bản nhất như chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, ngoại khóa...
Giờ lên lớp của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.      Ảnh: Duy Anh
Giờ lên lớp của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. Ảnh: Duy Anh
Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, trọng tâm của quy định này là bỏ cho điểm, thay thế bằng việc quan sát, nhận xét, đưa ra giải pháp giúp đỡ và khích lệ HS trong quá trình đánh giá thường xuyên. Việc đánh giá bằng định lượng (cho điểm bài kiểm tra) chỉ áp dụng vào cuối học kỳ nhưng vẫn kết hợp với đánh giá bằng định tính. "Việc đánh giá HS sẽ do giáo viên (GV) chủ nhiệm chịu trách nhiệm chính, trên cơ sở đánh giá của GV với từng HS, của HS với HS, của cha mẹ HS. Không so sánh HS với nhau, không tạo áp lực căng thẳng cho HS, không gây nên sự phân biệt đối xử khiến HS tự ti, nản chí… Trước đây, chúng ta cứ chờ đến cuối học kỳ, cuối năm học mới đánh giá HS, nên nếu không đạt cũng quá muộn để hỗ trợ các em. Nay, muốn HS học tốt hơn thì phải quan tâm cả quá trình học tập, tiến hành đánh giá thường xuyên. GV phải thu thập số liệu, quan sát, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, nhận xét định tính về kết quả học tập" - ông Định phân tích.

Mặc dù, Bộ GD&ĐT chưa chính thức ký Thông tư ban hành quy định đánh giá HS tiểu học, nhưng ông Định cho biết, quy định này sẽ chính thức áp dụng trong năm học 2014 - 2015. Theo đó, Bộ yêu cầu bỏ cách xếp loại HS như hiện nay, đồng nghĩa sẽ không còn kiểu giấy khen HS giỏi, HS tiên tiến cuối học kỳ hay cuối năm học. Thay vào đó là các hình thức khen thưởng thành tích từng mặt mạnh của HS. 

Phải có hướng dẫn cụ thể

Bàn luận về cách đánh giá HS bậc tiểu học, nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quy định mới của Bộ GD&ĐT nhưng đề nghị Bộ phải có hướng dẫn cụ thể và tổ chức tập huấn. Đại diện Sở GD&ĐT Ninh Bình cho rằng, đây là vấn đề mới, việc đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi GV phải làm việc nhiều hơn so với việc đánh giá bằng điểm số, vì vậy cần thiết phải có tập huấn cặn kẽ trước khi triển khai. Bởi nếu GV chưa hiểu mục đích cũng như cách thức mà đã áp dụng ngay thì sẽ dẫn tới hiệu quả ngược. Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với các trường ở TP, mỗi lớp học có tới 50 - 60 HS sẽ khó cho GV thực hiện cách đánh giá này. "Hướng đổi mới này là rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ, phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm tới con, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ con, có vậy mới có sự chuyển biến được" - ông Lâm khẳng định.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định cho biết, sẽ kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo đổi mới đánh giá đồng bộ ở các bậc học trên, tránh việc tạo áp lực cho HS khi coi thành tích, danh hiệu là "tiêu chí" để tuyển sinh, xếp lớp ở bậc học khác. Với việc áp dụng quy định đánh giá mới, sẽ không lấy thành tích để xét thi đua, nhằm hướng việc đánh giá HS một cách thực chất, nhân văn hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần