Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ chặn loạn giá?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Thực tế hiện nay, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được cho là “loạn giá”, mạnh ai nấy làm, bởi không có quy định cụ thể cho việc này. Các cơ sở khám chữa bệnh đang triển khai cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản quy định khác nhau.

Tình trạng này được kỳ vọng sẽ chấm dứt sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT về khám chữa bệnh theo yêu cầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Với thông tư này, các cơ sở y tế có một cơ sở tham khảo cụ thể để xây dựng giá khám chữa bệnh (KCB) phù hợp với điều kiện của mình theo đúng quy định.

Theo Thông tư 13 dải giá rộng, tối đa là 500.000 đồng/lượt khám. Việc Bộ Y tế quy định dải giá rộng là nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường. Hiện, các bệnh viện đang rà soát để xây dựng lại giá phù hợp và bảo đảm không vượt quá khung giá trên.

Theo lãnh đạo các bệnh viện, việc ban hành giá KCB theo yêu cầu không chỉ chấm dứt tình trạng “loạn giá” mà còn tạo cơ hội cho bệnh viện công có nguồn lực tài chính để đãi ngộ, động viên cán bộ, nhân viên an tâm công tác, phục vụ người bệnh tốt hơn. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đánh giá Thông tư 13 hết sức mở cho các bệnh viện.

Bởi vì không quy định, cố định giá mà có dải giá từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh mà xây dựng giá phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất. Các bệnh viện đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, không áp dụng đồng loạt giá cao mà người dân có sự lựa chọn dải giá khi tới KCB theo yêu cầu tại bệnh viện.

Thực tế, hiện nay, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao, một bộ phận người dân đi nước ngoài KCB tiêu tốn nguồn lực kinh tế lớn. Vì vậy, thông tư này sẽ đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân và giữ chân một bộ phận người dân ra nước ngoài.

Thông tư cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện được các hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để KCB cho người dân ở trong nước.

Cũng có ý kiến cho rằng, Thông tư 13 cũng là cơ sở để các bệnh viện đa khoa hạng I có thể áp dụng và xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng thực tế để đáp ứng các mức giá khác nhau. Để xây dựng giá KCB phù hợp với từng bệnh viện thì các bệnh viện phải nghiên cứu kỹ về cơ sở hạ tầng, trình độ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có đáp ứng được hay không?

Cũng như nhóm bệnh nhân vào bệnh viện ở phân khúc nào, họ sẵn sàng chi trả khoảng bao nhiêu? Bởi, nếu các bệnh viện xây dựng giá quá cao, vượt phân khúc thì bệnh nhân cũng không đến với bệnh viện. Ngược lại, bệnh viện không đáp ứng được cơ sở hạ tầng, điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật của nhân viên y tế thì cũng không bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo các chuyên gia, việc ban hành khung giá KCB theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, điều này giúp cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài.