Môi trường Hồ Tây được khôi phục, cảnh giác trước âm mưu phá hoại

Ngọc Hải - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực hết mình khắc phục tình trạng cá chết ở Hồ Tây, kết quả, môi trường nước hồ dần được khôi phục trở lại.

Tuy nhiên, trước những sự cố, đối tượng xấu thường lợi dụng để kích động người dân gây ra hành vi nguy hiểm, do vậy, người dân cần tỉnh táo, hết sức cảnh giác trước âm mưu phá hoại.

Hồ Tây được khôi phục trở lại

Hồ Tây vừa trải qua một trong những sự cố môi trường nặng nề nhất từ trước tới nay. Khoảng 200 tấn cá đã chết chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo trực tiếp việc xử lý cá chết khu vực Hồ Tây

Nguyên nhân cụ thể vẫn đang được tích cực điều tra, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng: “May mà lực lượng chức năng TP đã kịp thời khắc phục hậu quả, nếu không lượng cá chết có thể nhiều gấp bội, Hồ Tây và môi trường xung quanh sẽ gặp thảm họa thực sự”.

Ngay khi phát hiện sự việc, 1.000 quân nhân Bộ Tư lệnh Thủ đô, 300 công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, 200 công nhân các Công ty Thoát nước, vệ sinh hồ Tây… cùng hàng nghìn đoàn viên thanh niên, lực lượng địa phương đã được huy động, làm việc suốt ngày đêm, thu vớt xác cá, làm vệ sinh hồ.

Những ngày vừa qua, hầu như ngày nào Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác vệ sinh. 4,5 tấn chế phẩm Redoxy - 3C đã được rải khẩn cấp trên khu vực cá chết, 40 máy sục tạo ô xy cỡ vừa, 2 máy sục tạo ô xy cỡ lớn đã được lắp đặt, hoạt động 24/24.

Môi trường Hồ Tây được khôi phục, cảnh giác trước âm mưu phá hoại - Ảnh 2
 Cá chết liên tục được vớt khỏi Hồ Tây

Đến cuối ngày 5/10, xác cá nổi trên mặt nước đã được dọn sạch sẽ, không còn hiện tượng cá chết. Ngày 6/10 mùi tanh hôi đã gần như không còn xuất hiện. Ngày 7/10, chỉ còn khu vực lều dã chiến của các lực lượng dọn vệ sinh hồ tại 128 Thụy Khuê còn chút mùi tanh, ngoài ra quanh Hồ Tây, môi trường đã hoàn toàn trở lại trong lành.

 Các đơn vị chức năng nỗ lực vớt xác cá để làm trong sạch Hồ Tây

Một trong những chuyên gia đầu ngành về thủy sản, TS Bùi Quang Tề nhận định: “Lượng nước thải hữu cơ đổ vào quá lớn sẽ kiến hàm lượng NH3 tăng cao, dẫn đến giảm hàm lượng ô xy trong nước. Việc thiếu ô xy chính là nguyên nhân khiến cá chết. Cùng với hiện tượng tảo nở hoa, thiếu ô xy để phân hủy các chất hữu cơ cũng là một trong những nguyên nhân chính”.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cam kết, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội cho nạo vét, cải tạo lòng hồ, chặn mọi dòng xả thải trực tiếp ra hồ cùng thực hiện các biện pháp khoa học như: thả bè thủy sinh, giỏ rêu… để duy trì môi trường nước hồ trong sạch.

Hà Nội sẽ đầu tư hệ thống quan trắc nước

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI ngày 6/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ngay từ lúc xảy ra sự việc cá chết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo CATP Hà Nội và Sở TN-MT Hà Nội phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân. Đến thời điểm này, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra sự việc. Tới đây, Hà Nội sẽ đầu tư hệ thống quan trắc nước, đồng thời tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải tại khu vực hồ Tây cũng như các hồ trên địa bàn thành phố.

Môi trường Hồ Tây được khôi phục, cảnh giác trước âm mưu phá hoại - Ảnh 4
 Thu gom, vận chuyển cá chết đem xử lý tại bãi rác Nam Sơn

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đang cải tạo 17 hồ nước và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sông Tô Lịch tại Yên Xá (huyện Thanh Trì)… để thời gian tới Hà Nội nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 22% lên 40-50%

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Hà Nội kiểm tra và xác định nhanh nguyên nhân. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã chỉ đạo cơ quan chức năng, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học môi trường, và Bộ Công an tiến hành kiểm tra, rà soát nguyên nhân tại sao cá chết. Khi có kết quả, Văn phòng Chính phủ thông báo tới cơ quan báo chí.

Ngay sau khi có hiện tượng thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống hiện trường tiếp chỉ đạo công tác xử lý tình trạng cá chết ở Hồ Tây. UBND Thành phố đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách xử lý sự cố.

Trong đó, Chủ tịch Thành phố yêu cầu lấy mẫu cá sống và chết đưa đi giám định nhằm xác định nguyên nhân cá chết và cá có bị nhiễm các chất độc hại hay không.

Môi trường Hồ Tây được khôi phục, cảnh giác trước âm mưu phá hoại - Ảnh 5
 Tại bãi rác Nam Sơn, xác cá được phun thuốc khử trùng, xử lý để tránh phát sinh mầm bệnh rồi đem chôn cùng vôi bột. 

UBND TP Hà Nội cũng ban hành Công điện về tăng cường công tác kiểm tra quản lý các hồ nước trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội; Công ty MTV thoát nước Hà Nội tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn; tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường tại nơi sinh hoạt.

Các đơn vị này cũng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hồ nước trên địa bàn. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường phải thực hiện các phương án xử lý ngay và báo cáo UBND TP để kịp thời chỉ đạo. Như vậy, có thể thấy, các cấp lãnh đạo đã vào cuộc xử lý sự cố vô cùng quyết liệt và hiệu quả. 

 Môi trường Hồ Tây đã được khôi phục 

Trước tình trạng cá chết tại Hồ Tây, một số đối tượng có âm mưu kích động, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng. Do vậy, rất mong các lực lượng chức năng nghiêm khắc xử lý những hành động kích động, trái pháp luật, vừa gây mất trật tự, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đồng thời, người dân, nhất là các bạn trẻ, học sinh sinh viên cần cảnh giác trước những âm mưu phá hoại, không để đối tượng xấu lợi dụng, kích động xuống đường gây ra những hành vi nguy hiểm, trái pháp luật. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần