Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ chuyên nghiệp hóa đấu giá tài sản và đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định như vậy, tại Hội nghị tập huấn Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 17) và Thông tư số 23/2010/TT- BTP ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp về đấu giá tài sản (ĐGTS) được UBND TP tổ chức sáng qua, 17/8, với hơn 200 các đại biểu tham dự là lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, một số sở, ngành liên quan các doanh nghiệp đấu giá, các đấu giá viên (

Chuyên nghiệp hóa đấu giá tài sản

Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp, Đỗ Hoàng Yến, NĐ 17 của Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá hiện hành, nhằm qui định rõ hơn về tổ chức bán ĐGTS và các loại tài sản bán đấu giá; hạn chế thông đồng trong ĐGTS và nâng cao tiêu chuẩn ĐGV cũng như các tổ chức thực hiện ĐGTS. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa hoạt động bán ĐGTS, là tiền đề cho việc xây dựng luật bán ĐGTS sau này. Tuy nhiên, theo bà Yến vấn đề nóng trong triển khai thực hiện NĐ 17 là qui định về việc ban hành qui chế bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Sau hơn 8 tháng triển khai, đã có 52 trên 63 tỉnh, thành trên cả nước đã xây dựng xong và ban hành quy chế bán đấu giá QSDĐ trên địa bàn cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Nhưng Hà Nội là một trong số 11 địa phương hiện chưa ban hành qui chế này.

Vẫn còn vướng mắc

Mặc dù tháng 12/2010, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 23/2010/TT-BTP Qui định chi tiết và hướng dẫn thực hiện NĐ 17 về bán ĐGTS, nhưng phần lớn các ý kiến cho rằng, Thông tư 23 mới tập trung hướng dẫn xây dựng tổ chức bộ máy, qui định trình tự thủ tục bán ĐGTS... vấn đề cơ chế tài chính giữa bên tổ chức đấu giá thuê đơn vị đứng gia đấu giá thì qui định chưa cụ thể, đặc biệt liên quan đến đấu giá QSDĐ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Hữu Đức, để có được một dự án QSDĐ phải thông qui nhiều bước, từ qui mô dự án đấu giá (mức diện tích to, nhỏ), qui trình, qui hoạch, đến GPMB, phê duyệt đấu giá và được cấp có thẩm quyền phê duyệt...), mất nhiều thời gian; việc tổ chức một phiên đấu giá liên quan đến an ninh, bảo vệ. Rồi "hậu" đấu giá, có phiên đấu giá 20 người trúng đấu giá đất, nhưng 18 người sau đó... bỏ không mua! Các đại biểu kiến nghị Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nên ban hành  Thông tư liên bộ để tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở triển khai.

Chia sẻ những vướng mắc, Vụ trưởng Đỗ Hoàng Yến cho biết, Bộ Tài chính đang soạn thảo Thông tư để hướng dẫn rõ hơn những vấn đề tài chính thực hiện NĐ 17, UBND các tỉnh, TP ban hành Qui chế bán đấu giá QSDĐ, trong đó cần qui định rõ cơ quan được giao ký hợp đồng bán đấu giá, cơ quan thực hiện các thủ tục trong qui trình đấu giá… Trên cơ sở thông tư 23, TP. Hà Nội cần sớm ban hành Qui chế về đấu giá QSDĐ theo NĐ 17.

Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn khẳng định, lãnh đạo TP. Hà Nội luôn thống nhất cao về việc tổ chức thực hiện bán ĐGTS, đặc biệt là đấu giá QSDĐ theo đúng NĐ 17 của Chính phủ và cho biết, TP đang nỗ lực hoàn thiện qui định mới để thực hiện NĐ 17. Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho các địa phương, các ngành liện quan thực hiện  tốt Nghị định 17.
 
Hà Nội có 46 doanh nghiệp và một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội, với tổng số 129 đấu giá viên. Trong số này có 18 đơn vị đang hoạt động, 9 đơn vị hoạt động cầm chừng, 19 đơn vị không hoạt động hoặc có biểu hiện trốn tránh...

(Báo cáo của Sở Tư pháp)