Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có chế tài xử lý GV nếu bị SV đánh giá không tốt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục đích sinh viên (SV) đánh giá giảng viên (GV) là biện pháp góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của GV, đáp ứng yêu cầu đối với người học.

KTĐT - Mục đích sinh viên (SV) đánh giá giảng viên (GV) là biện pháp góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của GV, đáp ứng yêu cầu đối với người học.

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Trương Đình Mậu, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD- ĐT về chủ trương sinh viên đánh giá giảng viên mà Bộ sẽ thực hiện triển khai từ năm 2010.

Theo ông Mậu, mục đích sinh viên (SV) đánh giá giảng viên (GV) là biện pháp góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của GV, đáp ứng yêu cầu đối với người học. Việc người học đánh giá, nhận xét về người thầy không phải là việc mới, tuy nhiên, từ trước tới nay Bộ chưa đưa ra hướng dẫn, quy định cụ thể về việc này nên khi thành chủ truơng nó lại là vấn đề mới. Thực ra các nước phát triển, vấn đề SV đánh giá GV họ làm thường xuyên, liên tục và GV họ cũng rất tự giác động viên SV làm việc này.

Được biết, Bộ đã triển khai thí điểm ở một số trường về SV đánh giá GV, vậy ông thấy các trường phản hồi thế nào?

Năm 2008, Bộ đã có hướng dẫn tới các trường thực hiện thí điểm sinh viên tham gia đánh giá giảng viên và hiện nay nhiều trường đã gửi báo cáo về Cục Nhà giáo kết quả triển khai của mình, mỗi trường có cách làm khác nhau nhưng tựu chung các ý kiến đều nhất trí với chủ trương của Bộ GD&ĐT, có trường còn chủ động làm trước khi Bộ đưa ra hướng dẫn. Chúng tôi cho rằng đây là một kênh quan trọng để giúp lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học đánh giá GV của mình chính xác hơn, có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho họ. Và qua ý kiến góp ý, nhận xét của người học, GV tiếp thu, khắc phục những hạn chế của mình để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều trường cũng cho rằng không nên gọi là đánh giá mà nên gọi là góp ý, phản hồi thì đúng hơn.

Theo ông có nên công khai kết quả đánh giá của sinh viên trước toàn trường không?

Bây giờ tôi chưa trả lời được vì sau thời gian thí điểm, Bộ sẽ tổ chức thảo luận, tổng kết sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng là nên công khai như nào? ở mức độ nào? công khai đến đâu? Vì nói cho cùng, mục đích của hoạt động này là để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo, nếu việc công khai kết quả sinh viên đánh giá giảng viên mà có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ GV thì cũng nên làm.

Thực tế ở Việt Nam, các thầy/cô giáo vẫn chưa quen với quan niệm học trò đánh giá thầy và cho rằng như vậy là không được?

Trong thực tế, chẳng ai muốn người khác đánh giá mình, với thầy giáo lại càng không vì xã hội vẫn quan niệm nghề giáo là nghề cao quý được xã hội tôn vinh, bất khả xâm phạm. Nhưng hiện nay, trong các nhà trường đang thực hiện quá trình dân chủ hóa, sinh viên được phép nêu nhận xét, góp ý của mình đối với giảng viên với tư cách là người được hưởng “dịch vụ” giáo dục. SV tham gia đánh giá GV là kênh đánh giá quan trọng. Tuy nhiên, mỗi SV có nhận thức khác nhau về vấn đề này, quan trọng là GV phải có thái độ cầu thị.

Tuy nhiên, khi một giảng viên có nhiều ý kiến phản hồi không tốt của sinh viên thì người lãnh đạo là người quyết định, ông có nghĩ đến vấn đề người lãnh đạo không công tâm?

Khi tuyển dụng một giảng viên vào giảng dạy, người lãnh đạo đã có sự lựa chọn nhất định. Nên khi nhận được phản ánh của sinh viên người lãnh đạo đó cũng phải nghiên cứu kỹ xem lớp này phản ánh thế này, lớp khác phản ánh thế kia và cân nhắc chứ không nên đưa ra kết luận vội vàng mà cần phải phải tìm hiểu nguyên nhân , phải có sự so sánh với nhận xét, góp ý của sinh viên trong năm học trước để cho khách quan hơn. Trường hợp nào lãnh đạo nhà trường đã nhận xét, đưa ra biện pháp sửa chữa mà không khắc phục được thì nhà trường cần có biện pháp bố trí sắp xếp lại công việc cho phù hợp hơn... Bên cạnh đó, trưởng khoa, tổ trưởng bộ môn phải giúp hiệu trưởng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, nhận xét, đánh giá giảng viên.

Vậy, Bộ có đưa ra chế tài nào để xử lý giảng viên không đạt yêu cầu?

Sau khi thí điểm, có kết luận, Bộ sẽ có chế tài xử lý các trường hợp đó. Tuy nhiên, chế tài xử lý sẽ theo quan điểm phát triển để GV tự bồi dưỡng thêm, sau khi tạo điều kiện cho GV đó khắc phục hạn chế của mình, nếu không đạt thì sẽ chuyển công tác khác.

Đội ngũ giảng viên trẻ thường thiếu kinh nghiệm giảng dạy và trình độ còn hạn chế, nếu căn cứ và nhận xét của SV thì nhiều khi họ bị thiệt thòi?

Đội ngũ GV trẻ thì phải tạo điều kiện cho họ từng bước tập sự chưa nên đòi hỏi quá cao, vì “ ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay” được. Do vậy, các trường phải tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên trẻ phát triển và cho họ lộ trình rèn luyện, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ sau đó mới bố trí cho họ chính thức đứng lớp. Chúng ta đừng kỳ vọng năm đầu tiên các SV đều nhận xét tốt về GV trẻ, vì vậy, các lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học cần nhìn nhận (với những ưu, khuyết điểm) của họ một cách khách quan theo hướng phát triển. Nhưng tôi tin chắc những người GV trẻ, có trình độ chuyên môn giỏi, sẽ sớm vững vàng, tự tin trên bục giảng .

Xin cảm ơn ông!