Sẽ có cơ chế đặc thù cho đào tạo du lịch

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ cơ sở đào tạo được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và mở rộng số lượng đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học (ĐH).

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây là thông tin từ Bộ GD&ĐT gửi đến các ĐH, học viện và trường ĐH chiều 20/10. Bộ này yêu cầu các cơ sở đào tạo khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ ĐH. Điều kiện bắt buộc để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện cơ chế này là phải phối hợp chặt chẽ với DN trong quá trình đào tạo.

Du lịch (7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (7810103); Quản trị khách sạn (7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (7810202) là bốn mã ngành được áp dụng cơ chế đặc thù. Các mã ngành đào tạo thí điểm trong lĩnh vực du lịch chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành cũng có cơ chế đặc thù để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện hình thức đào tạo văn bằng hai ngành du lịch; linh hoạt mở ngành đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Các cơ sở liên doanh liên kết đào tạo với DN về du lịch được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô. Cũng như mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai trình độ ĐH của các ngành này.

Bộ GD&ĐT khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai những ngành du lịch. Chỉ tiêu và điều kiện tiếp nhận do thủ trưởng các cơ sở đào tạo ĐH quy định theo hướng phù hợp với thị trường lao động và sự tự nguyện của người học. Các cơ sở đào tạo ngành du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.