Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có cơ chế để doanh nghiệp được… nói!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nội địa.

KTĐT - Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nội địa. Tuy nhiên với những chính sách và cam kết thương mại quốc tế, phản hồi của doanh nghiệp lại có phần hạn chế, nguyên nhân cũng bởi nhà nước chưa mở kênh cho họ… nói.

Lấy ý kiến kiểu… bị động
 
Chuyện kể rằng, khi đoàn đàm phán WTO của Việt Nam sang Mỹ để thỏa thuận các điều khoản cam kết trong lĩnh vực dệt may đã vấp phải những yêu cầu rất “khó chịu” từ phía Mỹ. Đoàn Mỹ không chấp nhận “mở cửa” cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường nước này nếu chúng ta không bãi bỏ Quyết định 55/2001/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành dệt may  Việt Nam đến năm 2010. Quyết định này bị phía Mỹ cho là nhằm “bảo hộ” ngành dệt may trong nước. 
 
Sau nhiều phiên đàm phán bất thành, đại diện đoàn đàm phán Việt Nam đã gọi điện về nước để hỏi ý kiến Hiệp hội dệt may Việt Nam về việc có nên đồng ý với yêu cầu của phía bạn. Mặc dù bị hỏi đột ngột nhưng Hiệp hội vẫn cố gắng đưa ra những phân tích thấu đáo, nhờ vậy đoàn đám phán đã có được quyết định sáng suốt , đó là đồng ý bỏ Nghị định 55 để mở đường cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ, tạo bước ngoặt quan trọng cho xuất khẩu dệt may trong các năm sau đó.
 
Theo ông Nguyễn Sơn - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trên đây là ví dụ cụ thể cho thấy quá trình đàm phán, ra quyết định ban hành chính sách thương mại quốc tế rất cần có sự đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng ví dụ trên cũng phản ánh một thực tế là chúng ta chưa có cơ chế chính thức để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói hay được trình bày trước cơ quan đàm phán về nhu cầu, lợi ích và những vấn đề mà họ quan tâm. Trong một vài trường hợp đơn lẻ mà các doanh nghiệp được hỏi ý kiến thì việc này cũng được thực hiện tương đối hình thức và thiếu tính đại diện. Hoặc đẩy người được hỏi vào tình thế rất bị động như câu chuyện kể trên.

Mặt khác, do không có sự tập hợp thống nhất ý kiến từ trước nên cơ quan đàm phán thường bị thiếu đi một nguồn “nguyên liệu đầu vào” thực tiễn để có thể tính toán thích hợp hơn. Đồng thời, ngay chính doanh nghiệp cũng thiếu thông tin để có sự chuẩn bị đối mặt với thách thức và tận dụng tốt các lợi thế mà các cam kết quốc tế mang lại. Thực tế thực thi các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết trong khuôn khổ WTO, trong vài năm trở lại đây đã phần nào cho thấy hệ quả của tình trạng này.

Mở kênh tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp 
 
Ở các nước, trước khi ban hành một chính sách thương mại, Chính phủ đều tiến hành đánh giá tác động đối với hoạt động thực tiễn, thậm chí ngay cả khi đã ban hành chính sách thì họ vẫn đánh giá tác động thực thi. Nếu thấy rủi ro cao thì Chính phủ sẽ bãi bỏ chính sách đó hoặc sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp hơn. “Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa làm tốt vấn đề này” - bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Úc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chống bán giá phá và chống trợ cấp, tự vệ (TRC) nhận xét.
 
Người đứng đầu Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc cũng đồng tình cho rằng, việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình đàm phán, thực thi các cam kết quốc tế của Chính phủ là “đặc biệt cần thiết và hữu ích” cho cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang gia tăng đàm phán các FTA, các đàm phán trong khuôn khổ Vòng Doha của WTO và nhiều điều ước quốc tế quan trọng khác. 
 
Do đó, mới đây VCCI đã cho ra mắt Ủy ban tư vấn Chính sách Thương mại Quốc tế và Cổng thông tin WTO - Hội nhập. Hai hoạt động này cũng được kỳ vọng là sẽ “phá băng nhận thức” cho các doanh nghiệp và hiệp hội còn đang hạn chế về thông tin và kiến thức về các chính sách, cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam, tránh xảy ra những tổn thất hoặc hiểu biết ấu trĩ về thị trường. 
 
Ví dụ như trường hợp mới đây khi Hội đồng TRC đưa ra đề xuất kiện chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ, do chưa tìm hiểu và nắm vững quy định luật pháp quốc tế, lo sợ “con kiến mà kiện củ khoai” một số ý kiến đã lên tiếng phản đối đề xuất này. Bà Loan bức xúc cho rằng: “Với những bằng chứng và cơ sở luật pháp hiện có, chúng tôi tin tưởng sẽ thắng kiện đến 95%, vấn đề chỉ còn là thiếu kinh phí để đi hầu kiện. Muốn có kinh phí thì doanh nghiệp và hiệp hội phải cùng đồng lòng nhất trí lên tiếng thì “mẹ” Nhà nước mới hỗ trợ”.
 
Hy vọng rằng với sự ra đời của Ủy ban và Cổng thông tin WTO thì những câu chuyện tương tự như trên sẽ không còn tái diễn trong thời gian tới.