Cân bằng lợi ích Tại hội thảo kết nối chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm trên địa bàn Hà Nội do Sở NN&PTNT tổ chức tại huyện Phúc Thọ ngày 9/8, rất nhiều hộ chăn nuôi chia sẻ những bất cập đang tồn tại trong quá trình sản xuất. Đó là thực trạng nông dân loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như quy trình sản xuất đạt chuẩn. Ông Nguyễn Văn Huấn - chủ trang trại tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh chia sẻ, hầu hết trứng của các hộ chăn nuôi hiện đang bán ra thị trường tự do, không ổn định và thường xuyên bị ép giá. “Chúng tôi đang bán với giá 2.800 đồng/quả trứng gà, 2.200 đồng/quả trứng vịt thì vừa rồi đã xuống mức 1.600 – 1.700 đồng/quả” – ông Huấn chia sẻ.
Trên thực tế, ở nhiều nơi, các hộ chăn nuôi đều có khả năng mở rộng sản xuất, tăng sản lượng trứng nhưng do bất ổn về đầu ra nên chưa yên tâm đầu tư. Đánh giá của Sở NN&PTNT cũng cho thấy, cơ bản các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP vẫn tiêu thụ theo phương thức tự do, thiếu sự ràng buộc, chỉ có một số ít hộ chăn nuôi lớn có ký kết hợp đồng kinh tế nhưng số lượng chưa nhiều. Với phương thức này, người yếu thế và thiệt thòi nhất vẫn là các hộ chăn nuôi, lợi ích chủ yếu rơi vào tay tư thương, trong khi giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ. Trước những bất cập trên, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã kết nối với Công ty TNHH Ba Huân triển khai hợp tác với các hộ, HTX chăn nuôi ở ngoại thành để xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, Công ty Ba Huân đã thu gom trứng của một số hộ nông dân, cơ sở chăn nuôi, chế biến rồi phân phối tại thị trường Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị. Tại hội thảo, lãnh đạo Công ty cam kết tiếp tục hợp tác với người chăn nuôi Hà Nội trong chế biến, tiêu thụ trứng gia cầm. Đây được xem là tín hiệu tốt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là bảo vệ lợi ích cho người chăn nuôi với mức giá thu mua ổn định. Quan trọng là an toàn thực phẩm
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cho biết, việc hợp tác với các trang trại, cơ sở sản xuất tại Hà Nội nhằm tạo ra sản phẩm trứng gia cầm sạch đưa vào xử lý rồi phân phối cho thị trường Thủ đô. Do đó, yêu cầu đầu tiên phía Công ty đưa ra là sản phẩm phải đảm bảo ATTP. Theo ông Hùng, các trang trại chăn nuôi phải được quản lý chặt chẽ từ thức ăn, con giống đến quy trình chăn nuôi. Phía Công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, Công ty Ba Huân đã liên kết với các siêu thị Fivimart, Co.opmart, Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt… để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Điều đáng mừng là Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm tại huyện Phúc Thọ với công suất xử lý 65.000 trứng/giờ, tổng số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Nhà máy sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2016 với hệ thống trang thiết bị, dây chuyền công nghệ được chuyển từ Hà Lan về và khoảng đầu năm 2017 sẽ khánh thành, đưa vào hoạt động. Như vậy, người tiêu dùng Thủ đô sẽ có cơ hội được tiếp cận nhiều sản phẩm trứng gia cầm đảm bảo ATTP. Tại hội thảo, Công ty Ba Huân đã ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước, DN, hộ chăn nuôi để xây dựng chuỗi liên kết trứng gia cầm. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng đề nghị kiểm soát chặt chẽ các DN, hộ sản xuất tham gia ký kết hợp tác nhằm cung cấp ra thị trường TP sản phẩm trứng gia cầm đảm bảo ATTP.
Một số sản phẩm trứng sạch được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Quang Thiện |
Theo số liệu thống kê, toàn TP Hà Nội hiện có hơn 5 triệu con gà đẻ, hơn 3,4 triệu con thủy cầm đẻ với sản lượng trứng hơn 1 tỷ quả mỗi năm. Đây là nguồn thực phẩm dồi dào nếu được xử lý đúng quy trình ATTP từ khâu chăn nuôi đến chế biến và đưa ra thị trường. |