Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL Hà Nội về vấn đề này.
Ông có hy vọng việc xây dựng phát triển 20 làng nghề kết hợp du lịch từ nay đến năm 2015 sẽ hỗ trợ việc thu hút khách du lịch?
- Việc xây dựng 20 làng nghề kết hợp du lịch giai đoạn 2012 - 2015 nhằm mục đích đưa tỷ trọng sản xuất nghề, làng nghề của TP đạt 8,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của TP đến năm 2015. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần đưa doanh thu của ngành du lịch Hà Nội tăng bình quân từ 16 - 18%/năm, các làng nghề này sẽ đón từ 300.000 - 500.000 lượt khách quốc tế và từ 2.000.000 - 3.000.000 lượt khách nội địa, trong tổng số 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 14,2 triệu lượt khách nội địa mà ngành du lịch Thủ đô sẽ đạt được vào năm 2015 theo Nghị quyết 12/2012 của HĐND TP. Với quyết tâm cao, tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Khách du lịch quốc tế tham quan cơ sở bán lụa Vạn Phúc. Ảnh: Hải Linh
Hà Nội có trên 1.000 làng có nghề đã được công nhận, nhưng việc xây dựng, phát triển tour du lịch làng nghề chưa được như mong muốn, vậy có khó khăn gì trong việc phát triển loại hình du lịch này?
- Hiện, hầu hết hạ tầng cơ sở, đường giao thông vào các làng nghề còn yếu kém, phong cách phục vụ chưa chu đáo, thiếu chuyên nghiệp, hướng dẫn viên du lịch tại làng nghề vừa thiếu lại vừa yếu. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề chưa có nhiều mẫu mã mang phong cách riêng. Vấn đề điện, nước, đặc biệt là vệ sinh môi trường ô nhiễm… là những rào cản phát triển loại hình du lịch này.
Bên cạnh đó, việc thiếu vốn, mặt bằng cho sản xuất cũng là những bất cập khiến các làng nghề chậm phát triển, không đáp ứng được những yêu cầu của ngành du lịch. Cấp chính quyền tại một số địa phương còn đơn giản trong nhận thức về việc xây dựng phát triển du lịch làng nghề, đây cũng là một rào cản trong việc tổ chức tour làng nghề.
Vậy, ngành du lịch Hà Nội sẽ có những biện pháp gì khắc phục khó khăn để đạt được chỉ tiêu mà Chương trình 154 đề ra?
Trước mắt, trong năm 2012 - 2013, ngành du lịch Hà Nội sẽ lựa chọn 2 làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc để phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch. Sở dĩ chọn 2 làng nghề này là do ở đây có tiềm năng và lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường, có khả năng kết nối phát triển trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch của TP và cả nước.
Từ thành công của 2 làng nghề này, ngành du lịch sẽ nhân rộng ra các làng nghề khác như làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), lược sừng Thụy Ứng, sơn mài Hà Thái… từ đó xây dựng tour du lịch làng nghề đặc sắc.Tại các làng nghề này, ngành du lịch bên cạnh việc bảo tồn giữ nguyên không gian kiến trúc có giá trị với làng nghề, duy trì phát triển nghề truyền thống… cũng sẽ triển khai đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng như: Nhà truyền thống, trung tâm giới thiệu sản phẩm… Ngoài ra, ngành du lịch còn kêu gọi các doanh nghiệp, người dân đầu tư vào những cơ sở dịch vụ đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí cho du khách…
Bên cạnh đó, sẽ mở lớp đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp phù hợp với mô hình du lịch làng nghề, đặc biệt là về ngoại ngữ, văn hoá và lịch sử làng nghề; Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, dịch vụ du lịch cho người dân làng nghề để mỗi người là một "hướng dẫn viên du lịch"; Ngành du lịch kết hợp với Sở Công Thương mở các lớp đào tạo nghề thủ công truyền thống, chú trọng đến việc đào tạo, thiết kế tạo mẫu sản phẩm phù hợp thị hiếu khách du lịch nhưng vẫn đảm bảo đặc trưng sản phẩm thủ công Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!