Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ điều tra vụ Mỹ không kích nhầm bệnh viện tại Afghanistan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tổ chức gồm các chuyên gia quốc tế đang chuẩn bị điều tra vụ tấn công nhầm của không quân Mỹ vào một bệnh viện của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Afghanistan, ngay khi được sự cho phép của chính phủ Mỹ và Afghanistan.

Cuộc không kích kéo dài một giờ ngày 3/10 làm thiệt mạng 22 người, trong đó có 12 nhân viên MSF, và khiến bệnh viện tại Kunduz phải đóng cửa. Người đại diện tổ chức từ thiện y tế này yêu cầu, vụ việc cần được xử lý thông qua Ủy ban nhân đạo độc lập được thiết lập bởi Công ước Geneva năm 1991.
Hiện trường vụ không kích nhầm của Mỹ vào bệnh viện của tổ chức MSF tại Afghanistan
Hiện trường vụ không kích nhầm của Mỹ vào bệnh viện của tổ chức MSF tại Afghanistan
Thụy Sĩ, đóng vai trò thư ký cho Ủy ban quốc tế nhân đạo Fact Finding có trụ sở tại TP Berne, hy vọng một cuộc điều tra "độc lập, hiệu quả và toàn diện”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ tuyên bố.

Lực lượng quân sự Mỹ đã nhận trách nhiệm về cuộc không kích, gọi đó là một sai lầm. Tổng thống Barack Obama đã chính thức xin lỗi tổ chức MSF vào tuần trước.

Tuy nhiên, đại diện MSF vẫn yêu cầu có một cuộc điều tra độc lập về vụ không kích nhầm này. "Chúng tôi đã nhận được lời xin lỗi và chia buồn, nhưng điều này là không đủ. Chúng tôi vẫn chưa hiểu lý do tại sao một bệnh viện chỉ có toàn bệnh nhân và nhân viên y tế lại phải chịu nhiều lần tấn công dồn dập trong hơn một giờ đồng hồ," Tiến sĩ Joanne Liu - Chủ tịch quốc tế của MSF cho biết.
Các nạn nhân được chăm sóc tại bệnh viện của MSF tại Kunduz.
Các nạn nhân được chăm sóc tại bệnh viện của MSF tại Kunduz.
Cuộc điều tra sẽ tập hợp các dữ liệu và bằng chứng từ các bên như Mỹ, NATO và Afghanistan, và lời khai từ các nhân viên MSF cùng những bệnh nhân sống sót. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, chính phủ Mỹ sẽ "cung cấp một báo cáo minh bạch, triệt để và khách quan" về vụ việc.
Ủy ban quốc tế nhân đạo được thành lập bởi Công ước Geneva gồm 15 nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội và các bác sĩ y khoa, có nhiệm vụ bảo vệ dân thường và nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang.