Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ giảm lãi suất nếu CPI tháng 2 ở mức 1,4%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết: Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2011 xoay quanh mốc 1,4%, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất xuống.

KTĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết: Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2011 xoay quanh mốc 1,4%, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất xuống.

Theo đánh giá từ NHNN: Năm 2010, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, NHNN đã ban hành các chỉ thị và kế hoạch hành động về thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT), đảm bảo an toàn và phát triển hệ thống ngân hàng, góp phần duy trì tăng trưởng, kiềm chế lạm phát...
 
Những giải pháp của NHNN trong điều hành CSTT, lãi suất, tỷ giá, quản lý ngoại hối... đã có tác dụng ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, trước áp lực tăng giá hàng hóa hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 21/1, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 13,5% - 14%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu ở mức 12,5% - 14,5%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 15% - 18%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 18% - 20%/năm. Trong khi đó, CPI tháng 1 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy đã tăng tới 1,74% so với tháng 12/2010 và tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2010.
 
Trước thực tế này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, nếu CPI tháng 2 giảm tốc và xoay quanh mức 1,4%, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường.
 
Trong năm 2011, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt, theo nguyên tắc thị trường; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập siêu, giảm dần tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Cũng trong năm 2011, tổng phương tiện thanh toán dự kiến tăng 21% - 24%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 23%.