Sẽ không khan hiếm khẩu trang chống dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN ngành dệt may và các siêu thị đảm bảo đủ khẩu trang chống dịch Covid-19, đó là khẳng định của các DN tại cuộc họp về tình hình cung ứng khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân giữa Bộ Công Thương với các DN sản xuất, bán lẻ chiều 17/3.

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và các DN  sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân đã sản xuất hơn 10,5 triệu khẩu trang từ vải kháng khuẩn. Dự kiến từ nay đến hết tháng 4, Dệt kim Đông Xuân sẽ đưa ra thị trường từ 5-7 triệu chiếc khẩu trang có tác dụng ngăn cản các giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người mang mầm bệnh.
Không chỉ DN sản xuất mới vào cuộc mà các DN bán lẻ cũng nỗ lực cung ứng khầu trang cho thị trường tiêu dùng. Tại cuộc họp, các DN bán lẻ như Saigon Co.opmart, Big C, Vincommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market thông tin từ nay đến hết 31/3 sẽ đưa ra thị trường 23,2 triệu chiếc, dự kiến từ ngày 31/3 - 14/4 sẽ cung ứng ra thị trường gần 9 triệu chiếc.
 DN sản xuất khẩu trang y tế

“Các DN trong nước tự tin có thể cung ứng đủ lượng khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân sử dụng” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga khẳng định. Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước để đặt hàng khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thường) để các DN sản xuất chủ động kế hoạch sản xuất, phân phối tới hệ thống bán lẻ, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận khẩu trang vải phòng chống dịch bệnh.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ công Thương) cho biết, hiện trong nước có hơn 20 tập đoàn, DN lớn trong ngành dệt may sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng nước, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.  
Dự kiến đến 31/3, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể đưa ra thị trường khoảng 57 triệu chiếc, năng lực sản xuất trên 1,1 triệu chiếc/ngày. Trong đó, riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam có khả năng cung ứng lớn nhất với khoảng 19 triệu chiếc; Hanvico khoảng 8 triệu chiếc, Tổng công ty May 28 là 7 triệu chiếc…
Về nguồn nguyên liệu vải may khẩu trang, Bộ Công Thương cho biết, số lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 là 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1,2 tỷ m2 vải dệt từ sợ nhân tạo. Tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày.
 DN sản xuất khẩu trang y tế

“Nếu trung bình 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng khẩu trang tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu toàn bộ vải để may khẩu trang). Tuy nhiên hiện nay, lượng vải còn tồn trong thương mại, trong doanh nghiệp cũng còn tương đối, lượng vải này có thể gia công kháng khuẩn để đưa vào may khẩu trang vải kháng khuẩn mà chưa cần vải dệt mới.
Báo cáo của một số DN cũng cho thấy, năng suất may khẩu trang trung bình của 1 lao động là 150 chiếc/ngày. Như vậy có thể khẳng định, ngành may trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang trong nước và xuất khẩu. “Có thể khẳng định, việc cung ứng đủ khẩu trang vải cho thị trường trong nước là hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành dệt may Việt Nam” - đại diện Cục Công nghiệp cho hay.
Mặc dù đủ năng lực sản xuất, cung ứng khẩu trang cho thị trường nhưng DN sản xuất phản ánh, để đưa được khẩu trang tới người tiêu dùng qua rất nhiều khâu nên kết nối cung cầu đang là vấn đề cần giải quyết qua đó tránh tình trạng khan hàng “ảo”. Để giải quyết vấn đề này, Cục Công nghiệp đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 là đề nghị Chính phủ hỗ trợ kết nối và cung cấp thông tin để thị trường tự điều tiết. Phương án 2 là đề nghị Chính phủ đặt hàng mua khẩu trang vải hoặc đảm bảo đầu ra cho DN sản xuất.
Trước những phản ánh từ phía DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, hiện Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện cung ứng khẩu trang cho người dân bởi năng lực sản xuất còn rất lớn, việc cung ứng 40 triệu sản phẩm khẩu trang/1tháng hoàn toàn khả thi. Để tránh tình trạng “thiếu ảo” thời gian tới Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường trong nước làm việc với DN dệt may, DN bán lẻ, qua đó kết nối cung cầu để tổ chức sản xuất, tiêu thụ khẩu trang tránh tình trạng dư thừa; đồng thời nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ tín dụng cho các DN sản xuất, tiêu thụ khẩu trang.