Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vào Hà Nội

Sẽ không làm hình thức

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ nay đến hết năm 2023, TP Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư giữa DN quốc tế với DN trong nước.

Doanh nghiệp Việt - Pháp trao đổi về đầu tư, kinh doanh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp 2023 “Hướng tới phát triển xanh và bền vững”. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp Việt - Pháp trao đổi về đầu tư, kinh doanh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp 2023 “Hướng tới phát triển xanh và bền vững”. Ảnh: Phạm Hùng

Coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, 7 tháng năm 2023, TP Hà Nội đã thu hút 2.282 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt 97,5 triệu USD, 108 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 193,5 triệu USD, 190 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.991 triệu USD. Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng, thời gian qua, Hà Nội rất nỗ lực trong hoạt động xúc tiến và đã thu hút được kết quả đáng ghi nhận về vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư của Hà Nội. Nhiều dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điện năng, chế biến, chế tạo… được cấp mới hoặc tăng vốn với số vốn góp từ trên 1 triệu USD trở lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ phục hồi của kinh tế Thủ đô.

 

Trong thời gian tới các hoạt động xúc tiến, thương mại, du lịch cần hạn chế làm bề nổi, chuyển sang hoạt động thực tế đi vào chiều sâu. Đặc biệt, HPA phát huy vai trò là đơn vị đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, quốc tế, tổ chức những hoạt động đưa DN, làng nghề TP Hà Nội tham gia các hội chợ quốc tế quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền


“Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội đã từng bước được cải thiện, TP đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển DN, xúc tiến đầu tư... TP kịp thời đối thoại, lắng nghe ý kiến của DN để tìm cách hỗ trợ nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả” - ông Hoàng đánh giá.

Dưới góc độ cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến của TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, nhằm giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư, từ đầu năm đến nay HPA đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức triển khai nhiều hoạt động xúc tiến một cách linh hoạt, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, tạo nên bức tranh kinh tế với các điểm nhấn nổi bật.

Cụ thể, HPA đã triển khai 58 sự kiện, hoạt động, tiêu biểu như: Hội nghị các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Pháp; Không gian quảng bá, xúc tiến các địa phương "Sắc màu Việt Nam"; Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, chủ đề Hà Nội và các tỉnh miền Trung - Kết nối cùng phát triển - "Link to Grow" tại Quảng Bình; Hội chợ hàng trang trí nội thất và quà tặng Ambiente Frankfurt 2023 tại CHLB Đức; Chương trình Happy Tết 2023; Chương trình Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 (5 kỳ); Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2023; Lễ hội Du lịch Hà Nội với chủ đề "Kết nối di sản phát triển du lịch"; "Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023"; Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2023...

“Thông qua những hoạt động này Hà Nội đã chủ động phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Điển hình, du lịch trên địa bàn Thủ đô được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới” - ông Dương dẫn chứng.

Đưa hoạt động xúc tiến vào chiều sâu

TP Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 thu hút từ 30 - 40 tỷ USD (6 - 8 tỷ USD/năm) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn thực hiện khoảng 20 - 30 tỷ USD (4 - 6 tỷ USD/năm), để hoàn thành mục tiêu này đòi hỏi hoạt động xúc tiến phải đi vào chiều sâu, tránh hình thức.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Anh Tuấn dự báo, những tháng cuối năm tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại, điều này đòi hỏi các hoạt động xúc tiến của TP Hà Nội cần có các thay đổi linh hoạt, đổi mới kịp thời.

Góp ý thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút du khách quốc tế đến Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, để thu hút du khách quốc tế đến Thủ đô, HPA cần tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm kết nối với các tỉnh, thành, từ đó thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển các thị trường trọng điểm. Xúc tiến các thị trường mới có tiềm năng tăng trưởng như Ấn Độ, Trung Đông, Bắc Âu… Đồng thời mở rộng các thị trường có nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Bắc Mỹ, Tây Âu…

“HPA cần tăng cường phối hợp với ngành du lịch nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, phát triển loại hình kinh tế đêm, đầu tư những khu du lịch theo chủ đề tạo thành mạng lưới các sản phẩm mới, đa dạng, bổ trợ cho nhau…” - ông Phạm Văn Thủy hiến kế.

Đồng tình với ý kiến này, dưới góc độ DN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị, thời gian tới HPA tiếp tục làm đầu mối kết nối DN FDI với DN vừa và nhỏ TP Hà Nội, qua đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, nội địa hóa sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động giao thương trên môi trường số, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hài hòa giữa truyền thống và điện tử.

Trước những kiến nghị, đề xuất của DN, chuyên gia, nhà quản lý, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, HPA xác định mục tiêu trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các tổ chức, DN, nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; Tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối đầu tư. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cho công tác xúc tiến; Tăng cường kết nối với các Hiệp hội trong nước và quốc tế, các Đại sứ quán… qua đó ung cấp thông tin, tìm hiểu, khai thác những đối tác tiềm năng trong các hoạt động xúc tiến.

“Thông qua việc chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có kinh nghiệm và tiềm năng tài chính trong các lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP, đồng thời tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại để thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng, hiệu quả, Hà Nội phấn đấu vốn FDI đăng ký trong năm 2023 đạt khoảng 3 tỷ USD” - bà Mai Anh chia sẻ.