Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ không thành lập mới trường đại học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Từ nay đến 2020 cơ bản không có tăng một trường ĐH nào. Bộ cũng đã đề nghị với Chính phủ giảm chỉ tiêu 450 SV/1vạn dân xuống còn 300 - 350 SV/1vạn dân, và giảm chỉ tiêu 40% SV ngoài công lập để nâng cao chất lượng!".

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định tại Hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện NQ35/2009/QH12 và NQ50/2010/QH12 về các nội dung liên quan đến giáo dục do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 2/4.

Theo báo cáo, kết quả thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 50 đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học trong giai đoạn 2009 - 2012 đạt khoảng 89.700 tỷ đồng, mức chi thường xuyên tăng bình quân khoảng 20%/năm. Tốc độ thành lập trường không còn quá nóng, cơ cấu ngành nghề tại các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập từng bước được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Tỷ lệ tuyển sinh vừa học vừa làm giảm nhanh trong 3 năm gần đây, còn 401.192 SV (28,23%) năm học 2011 - 2012. Dự thảo báo cáo đưa ra 13 kiến nghị đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương. Và 3 kiến nghị đề xuất đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Sẽ không thành lập mới trường đại học - Ảnh 1

Dự kiến, từ nay đến năm 2020 không tăng thêm trường đại học. Ảnh: Hải Linh

Theo đại diện của Bộ GD&ĐT, có 2 điểm sáng nổi bật trong thời gian qua khi thực hiện hai nghị quyết này. Thứ nhất, tín dụng cho SV được thực hiện rất tốt, đảm bảo không có em nào đỗ ĐH vì trường hợp khó khăn mà phải bỏ học. Thứ hai, công tác thanh tra giáo dục của Bộ GD&ĐT đạt được kết quả. Tuy nhiên, ngành giáo dục có 2 điểm tối, thứ nhất là những yếu kém về chất lượng do liên thông và liên kết không tốt, thứ hai là tình trạng nguy kịch của hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Nói về điểm sáng đầu tiên, GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng, thực tế vẫn có những trường hợp cho vay không đúng đối tượng. Bà đề nghị, nếu giao cho cấp địa phương chứng nhận thì giao cho họ trách nhiệm thu hồi vốn. Ngoài ra, theo bà Châu, nên mở rộng đối tượng vay là những người học sau ĐH vì có 2 cái lợi: Tăng chuyên gia và khả năng thu hồi vốn khả thi.

GS.TS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng tình với việc siết chặt đào tạo không chính quy của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, với cơ chế thi liên thông của Bộ đưa ra, mới chỉ chấn chỉnh được việc thi đầu vào, trong khi mục tiêu liên thông chưa thật chính xác.

Đối với giáo dục ĐH ngoài công lập, nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập đang bị phân biệt đối xử. Trong khi cùng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, nhưng các trường công lập được hưởng ngân sách của Nhà nước thì các trường ngoài công lập lại không và không được ưu tiên về thuế. Về nội dung này, GS.TS Bành Tiến Long thẳng thắn, chúng ta chưa có hội nghị nào tổng kết kiểm điểm việc xây dựng từng trường ĐH được thành lập theo cam kết đề án. Kể cả trường công và trường tư. Do vậy, sau 5 năm các trường thành lập và đi vào hoạt động theo cam kết, Bộ cần hậu kiểm, kiểm điểm thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó mới cho chỉ tiêu tuyển sinh, cho mở ngành đào tạo. Tuyển sinh và mở ngành phải được thực hiện theo cam kết đề án. GS.TS Bành Tiến Long kiến nghị, để khuyến khích các trường ĐH và các ngành nâng cao chất lượng đào tạo, nên có cơ chế tài chính riêng đối với những trường đã thực hiện kiểm định chất lượng. Chẳng hạn, ĐHQG Hà Nội có những trường, khoa thực hiện kiểm định rồi, hàng năm ngân sách dành cho nó phải cao hơn những đơn vị chưa kiểm định.

Làm rõ hiệu quả đầu tư cho đại học xuất sắc

Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát, hiện có 2 trong số 4 trường ĐH quốc tế (ĐH xuất sắc) được mở theo hình thức 100% vốn Nhà nước (được vay từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á) là ĐH Việt Đức và ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Tổng nguồn vốn đầu tư của mỗi trường là 3.720 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến nay, ĐH Việt Đức tuyển sinh được 6 khóa với 375 người, ĐH Khoa học và Công nghệ tuyển 191 người. Xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, số tiền đầu tư của Nhà nước dành cho 2 trường ĐH xuất sắc rất lớn, nhưng từ năm 2008 và 2009 đến nay mỗi trường mới đào tạo được vài chục và vài trăm SV thì thực hiện yếu quá.