Năm học vừa qua, Sở GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo UBND các cấp thực hiện 2 đề án phát triển giáo dục mầm non và phát triển mạng lưới trường lớp. Đồng thời, chú trọng việc quy hoạch đất, đầu tư kinh phí mở rộng quy mô trường lớp, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đời sống giáo viên… Riêng giáo dục mầm non đã có nhiều đổi mới cả về chuyên môn, quy chế chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, 99,6% trẻ 5 tuổi đến trường, 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.
Năm học 2011 - 2012, ngành giáo dục Thủ đô có 59 học sinh đỗ thủ khoa vào các trường ĐH; dẫn đầu toàn quốc về số lượng giải và số giải nhất trong kỳ thi HS giỏi quốc gia. Hà Nội vinh dự giành được 9 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc trao cờ thi đua xuất sắc của Thành phố cho các tập thể
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Hà Nội phải trở thành trung tâm lớn về giáo dục. Vì thế, năm học 2012 - 2013 Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng, tập trung vào đại trà. Từ nay đến năm 2020, phải nâng chất lượng, mở rộng trường lớp, giảm sĩ số lớp/trường. Tập trung xây dựng trường chuẩn, phấn đấu đến 2015 đạt 35% (hiện mới đạt 28%); giải quyết dứt điểm việc HS bỏ học...
Đặc biệt, với các khoản thu đầu năm học, Phó Chủ tịch cho biết: Năm nay, UBND TP sẽ có văn bản gửi Sở GD&ĐT hướng dẫn thu học phí, văn bản hướng dẫn các khoản thu đầu năm học theo quy định. Thành phố có văn bản chung để các ngành có thể kiểm tra được, công khai minh bạch để nhân dân được biết và cùng giám sát. Vào đầu năm học, UBND TP tổ chức kiểm tra không báo trước về thu, chi học phí…
Hà Nội hiện có 2.434 trường (trong đó có 121 cơ sở GD có yếu tố nước ngoài), 46.251 nhóm lớp, 1.573.611 học sinh, 110.441 cán bộ, giáo viên… Riêng mầm non có 857 cơ sở giáo dục với 12.487 nhóm lớp, tiểu học có 687 trường với 13.928 lớp học, THCS với 595 trường, hơn 9.000 lớp học, THPT có 199 trường, Giáo dục chuyên nghiệp 44 trường và Giáo dục thường xuyên có 37 trung tâm… |