Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ loại những sản phẩm kém “chất”!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) sản xuất trong nước sẽ được ưu tiên khi đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Song nếu không có những quy định chặt chẽ thì việc ưu tiên này sẽ "lợi bất cập hại", vì không hẳn sản phẩm CNTT "made in Vietnam" nào cũng đảm bảo chất lượng.

Đây là lo ngại của nhiều đại diện tại buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 42/2009/TT-BTTTT ngày 30/12/2009 của Bộ TT&TT quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn Nhà nước. So với Thông tư 42, Danh mục mới về các loại sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm, thuê sử dụng đã được mở rộng hơn, gồm có 63 sản phẩm, dịch vụ như máy tính để bàn; máy tính xách tay; máy tính bảng; màn hình máy tính; phần mềm hội nghị truyền hình; dịch vụ kho ứng dụng, nội dung; dịch vụ điện toán đám mây…

Theo đại diện Bộ Tài chính, một số thiết bị máy chủ, máy tính để bàn, máy tính xách tay gắn mác "made in Vietnam" nhưng thực chất được lắp ráp chủ yếu từ linh kiện sản xuất tại nước ngoài, có giá thành rẻ song chất lượng không đảm bảo. Nếu công nhận đây là sản phẩm trong nước được ưu tiên sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh và không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đại diện Bộ Tài chính đề xuất phải có căn cứ tiêu chí chất lượng rõ ràng, tránh đưa sản phẩm kém chất lượng từ nước ngoài vào trong nước gia công công đoạn cuối rồi "hô biến" thành sản phẩm trong nước để được hưởng chính sách ưu tiên.

Về vấn đề này, đại diện ban soạn thảo là Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, ban soạn thảo sẽ có các tiêu chí chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm như độ tin cậy chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý sản phẩm, các nội dung về bảo hành, bảo trì sản phẩm, tài liệu sản phẩm. Trong đó, để loại bỏ các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, chỉ gia công công đoạn cuối ở Việt Nam, dự thảo đã có những quy định như: Sản phẩm phần cứng, điện tử phải có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 20% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm, hoặc tổ chức, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm phải có tối thiểu 50 lao động chuyên môn về phần cứng, điện tử là người Việt Nam đang làm việc ổn định (hợp đồng 1 năm trở lên)... Với sản phẩm phần mềm và nội dung số phải có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm… Đối với máy chủ, hiện nay chỉ quy định mua của doanh nghiệp trong nước đối với những trường hợp sử dụng cho các ứng dụng đơn giản. Đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay sản xuất trong nước, thì chỉ những sản phẩm nào đáp ứng được các tiêu chí chất lượng mới được ưu tiên mua sắm.

Ngoài các tiêu chí về chất lượng, trước đó ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết, dự thảo có quy định nhằm "sàng lọc" doanh nghiệp như chỉ ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng vốn ngân sách với những sản phẩm phần cứng, điện tử nội địa có doanh thu tối thiểu 10 tỷ đồng/năm. Với sản phẩm phần mềm, doanh thu từ sản phẩm phải đạt 500 triệu đồng/năm, còn nội dung số và dịch vụ CNTT phải đạt 2 tỷ đồng/năm… Những quy định này nhằm tạo đà cho doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

 
“Bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện đề án hình thành Trung tâm dịch vụ mua, bán tài sản công. Sau khi hoàn thiện sẽ tiết kiệm nguồn kinh phí không nhỏ trong hoạt động mua sắm tài sản công, mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi,   sau 5 năm thí điểm hình thức mua sắm tập trung tại 23 bộ, ngành và địa phương, số tiền dự toán và số tiền thực tế mua sắm đã có chênh lệch giảm tới 467 tỷ đồng”.

Ông Trần Đức Thắng Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính