Ngoài việc xác định những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong quản lý chất thải rắn hiện nay như quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu gom xử lý, hoàn nguyên đất đai, Hội nghị còn là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư của Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Báo cáo của Bộ Xây dựng về công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn của Việt Nam cho thấy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị lớn là 31.500 tấn/ngày. Con số này tương đương ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, chỉ 84% ở thành thị và 40% ở nông thôn đang được thu gom, xử lý. Với 458 bãi chôn lấp hiện có thì chỉ có 121 bãi hợp vệ sinh. Vì vậy, ở nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước trầm trọng.
Ảnh minh họa.
|
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số địa phương chưa có quy hoạch, các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chi phí xử lý tại các địa phương còn cao, trong khi phí thu cho công tác này còn thấp. Và nhiều vấn đề liên quan khác như vốn đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ và lựa chọn công nghệ.
Trong năm 2014, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại 26 cơ sở xử lý chất thải rắn đang hoạt động, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam tiến hành dự án xây dựng năng lực nhằm quản lý tổng hợp chất thải rắn. Dự án được dự kiến thực hiện tại TP Hà Nội và Thừa Thiên Huế, sẽ giải quyết các vấn đề như lập quy hoạch quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ phát triển xã hội hóa và xác định mức phí cho xử lý chất thải rắn tại Việt Nam.