Sẽ sôi động trong tương lai gần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào một chu kỳ mới hứa hẹn sẽ có sự bùng nổ mạnh mẽ.

Những cái bắt tay triệu đô

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.219 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,87 tỷ USD; tăng hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai, với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư.
Khách tham quan tìm hiểu các dự án tại Hội chợ Bất động sản 2015.  Ảnh: Phạm Hùng
Khách tham quan tìm hiểu các dự án tại Hội chợ Bất động sản 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Sức hồi phục mạnh mẽ trong thời gian gần đây, cùng một loạt giải pháp kích cầu từ chính sách, thị trường BĐS Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý nhất, trong thời gian gần đây là việc Quỹ Đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment; bao gồm 20 triệu USD mua lại cổ phần của công ty này, 180 triệu USD còn lại sẽ đầu tư vào các dự án nhà ở do An Gia làm chủ đầu tư, nhằm cung cấp ra thị trường TP Hồ Chí Minh những dự án nhà ở “chất lượng Nhật Bản”.

Theo ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc An Gia Investment, việc ký kết với Quỹ Đầu tư Creed Group sẽ mang lại cho An Gia Investment một nguồn tài chính vững mạnh để triển khai dự án mạnh mẽ phù hợp xu hướng hội nhập sâu rộng.

Không chỉ riêng với An Gia, tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài bơm vốn vào các DN BĐS. Điển hình, Novaland với khoản đầu tư 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD từ Vinacapital. Khang Điền với một bản danh sách cổ đông đáng nể như: Vinacapital sở hữu 21% cổ phiếu, tương đương 26 triệu USD, Dragon Capital sở hữu 16% cổ phiếu, tương đương 20 triệu USD. Trong khi đó, Warburg Pincus - một quỹ đầu tư hàng đầu thế giới mới đây đã công bố "bơm" thêm 100 triệu USD vào lĩnh vực bán lẻ của Vingroup (Vincom Retail), nâng tổng mức đầu tư lên 300 triệu USD. Mới đây, một quỹ đầu tư từ Mỹ có tên Global Emerging Market - GEM đã cam kết rót 20 triệu USD vào Công ty Địa ốc Hoàng Quân.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), nền kinh tế Việt Nam đang có sự hội nhập sâu rộng. Chính phủ đã và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương với các nền kinh tế lớn, trong đó có TPP. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. "Trong tương lai, vốn nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào thị trường BĐS, và sẽ có nhiều hơn nữa “những cái bắt tay triệu đô” như chúng ta đã chứng kiến trong giai đoạn vừa qua..." - ông Châu nhận định.

Mua bán, sáp nhập sẽ sôi động

Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có hơn 9.200 giao dịch thành công, TP Hồ Chí Minh có hơn 8.700 giao dịch thành công, tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2014.

Tính riêng trong tháng 7/2015, thị trường BĐS Hà Nội có khoảng 1.800 giao dịch thành công, tăng khoảng 3% so với tháng trước, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014; tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.750 giao dịch thành công, tăng khoảng 3% so với tháng trước và tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, khi hành lang pháp lý cho việc đầu tư kinh doanh BĐS tại Việt Nam của người nước ngoài được mở rộng cửa, các quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu có động thái săn các dự án BĐS tiềm năng, hoạt động mua bán chuyển nhượng, hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS sẽ diễn ra cực kỳ sôi động.

Tuy nhiên, theo đánh giá của HoREA, trong hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án giai đoạn này, các DN trong nước vẫn nắm vai trò thống lĩnh. Thực tế, thị trường đang dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, Hưng Thịnh, An Gia Investment, Phú Mỹ Hưng...

Theo ông Châu, thông qua hoạt động mua bán chuyển nhượng, các DN đã tự giải quyết một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS. Tính đến cuối tháng 7/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 63.744 tỷ đồng (giảm 1.529 tỷ đồng so với thời điểm 20/6/2015). "Lượng hàng tồn kho trên thị trường TP Hồ Chí Minh theo thống kê của 36 dự án năm 2012 đến hết tháng 6/2015 đã bán được 8.501 căn, giảm 58,67%" -  Chủ tịch HoREA cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần