Đây là một trong những nội dung đang được Bộ Tài chính đề xuất và lấy ý kiến nhằm hoàn thiện văn bản thay thế Quyết định số 44/2011/QĐ- TTg (QĐ44) ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bộ Tài chính cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, QĐ44 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp huy động một lượng vốn lớn từ các ngân hàng nước ngoài, với thời hạn dài cho đầu tư phát triển trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn chế.
Đặc biệt, việc cấp bảo lãnh đã không còn dàn trải, thiếu định hướng như trước kia. Thay vào đó, các dự án được cấp bảo lãnh đều là các dự án lớn, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, hàng năm, số vốn huy động đề nghị cấp bảo lãnh trung bình vào khoảng 3 - 4 tỷ USD cho tất cả các lĩnh vực được ưu tiên xem xét. Các dự án vay vốn với giá trị lớn có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là các dự án đầu tư ngành điện và khai khoáng. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới việc nợ công tăng nhanh trong vài năm gần đây, đồng nghĩa với tăng rủi ro cho NSNN về nghĩa vụ nợ dự phòng.
Các dự án trong lĩnh vực điện tiềm ẩn nhiều rủi ro do đầu tư quá nóng, một chủ đầu tư cùng lúc thực hiện nhiều dự án có tổng số vốn vay lớn, trong khi vốn chủ sở hữu rất hạn chế, trong một số trường hợp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư.
Một số lĩnh vực quy định trong QĐ44 tương đối rộng, ví dụ lĩnh vực điện bao hàm cả những dự án thủy điện nhỏ có thể huy động vốn trong nước theo kênh thông thường. Một số lĩnh vực khác như đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề, mua sắm đầu máy toa xe đường sắt, các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm thay thế hàng nhập khẩu có thể đảm bảo trả nợ vay thương mại hầu như rất ít. Trong 5 năm vừa qua không có dự án nào triển khai thực hiện.
Thu hẹp đối tượng ưu tiên của một số chương trình, dự án
Từ tình hình thực hiện trong thời gian qua và yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất thay thế QĐ 44 theo nguyên tắc thắt chặt hơn các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ.
Theo đó, sẽ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công. Không tiếp tục ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh đối với các chương trình, dự án được tài trợ bằng khoản vay thương mại gắn với nguồn ODA dưới dạng tín dụng hỗn hợp:
Các dự án đã được đưa vào diện vay ODA không nên vay thương mại dưới bất kỳ hình thức nào và ngược lại. Điều này cũng sẽ giảm sức ép cho Chính phủ từ các nhà tài trợ buộc phải sử dụng loại hình vốn này, từ đó giảm rủi ro phải trả thay cho doanh nghiệp. Đối với các chương trình sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm thay thế hàng nhập khẩu cũng khuyến khích chuyển sang vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước để thực hiện.
Thu hẹp đối tượng ưu tiên của chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước do các ngân hàng chính sách thực hiện. Cụ thể là chỉ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh chính phủ đối với việc huy động vốn theo phương thức phát hành trái phiếu trong nước để đảm bảo tính thanh khoản và không chịu ảnh hưởng của các yêu cầu ràng buộc từ phía cho vay nước ngoài.
Thu hẹp đối tượng ưu tiên của chương trình, dự án trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản, cụ thể là chú trọng các dự án đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghiệp điện và khai khoáng thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công (có giá trị từ 2.300 tỷ đồng trở lên) để tập trung nguồn vốn cho đầu tư, đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ.
Đối với chương trình, dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng và kết cấu hạ tầng như mua sắm đầu máy toa xe, xây dựng các cơ sở giáo dục, dậy nghề,… nên khuyến khích xã hội hóa và chuyển sang thực hiện theo hình thức PPP, BT, BOT để giảm sức ép về vốn cho Nhà nước và có thể huy động được nhiều nguồn khác nhau trong và ngoài nước từ khu vực tư nhân.
Trong thời gian tới, Nhà nước hỗ trợ cấp bảo lãnh đối với các dự án hạ tầng thực sự quan trọng của Nhà nước không thể thu hút được các hình thức đầu tư khác hoặc chương trình, dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước vẫn đang nắm giữ thị phần chủ yếu, các tổ chức tư nhân chưa thể thay thế trong việc đảm bảo cung trên thị trường.
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, việc ban hành quyết định mới thay thế QĐ44 sẽ là một cải cách trong công tác cấp bảo lãnh chính phủ, giúp thực hiện việc thắt chặt, tiến tới thu hẹp để tập trung hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực thiết yếu của đất nước. Trên cơ sở đó, bảo lãnh chính phủ sẽ theo đúng tính chất là hỗ trợ về chính sách của Nhà nước cho những chương trình, dự án thực sự quan trọng./.
Trong lĩnh vực phát triển nguồn điện hiện nay đã huy động được sự tham gia đầu tư của các công ty cổ phần, doanh nghiệp liên kết với nước ngoài. Ảnh minh họa.
|
Trong giai đoạn 2011- 2014, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 30 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 12,35 tỷ USD. Số vốn này được tập trung chủ yếu cho 21 chương trình, dự án điện, 2 chương trình thuê mua máy bay với 29 khoản vay, 2 dự án khai khoáng (nhôm và bô xít), còn lại là các khoản vay đầu tư đường cao tốc,… Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hầu hết là vay nước ngoài (10,75 tỷ USD/12,35 tỷ USD), với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm. Tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh trong và ngoài nước trong giai đoạn này đã gấp hơn 2 lần giai đoạn 2007- 2010 (tổng giá trị tương đương 5,75 tỷ USD), với các chủ đầu tư chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
(Nguồn: Bộ Tài chính)
|