Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ thay đổi cách đánh giá giáo dục phổ thông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 25/12, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông".

Đã có sự phát triển

Theo giải trình của Bộ GD&ĐT, giáo viên mầm non (GVMN) đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 96,2%, giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp là 91,9%. Tuy nhiên, đội ngũ GVMN vẫn còn thiếu đến 22.800 người. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với GVMN tại các địa phương vẫn còn những bất cập. Đến 40% GVMN ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc. Trong 3 năm qua, các địa phương đã chi 840 tỷ đồng để phát triển giáo dục mầm non, song số lớp ghép 2 - 3 độ tuổi ở miền núi vẫn còn nhiều.

Sẽ thay đổi cách đánh giá giáo dục phổ thông - Ảnh 1
 
Cô và trò Trường mầm non An Dương trong giờ học chữ..Ảnh: Thanh Hải
 
 
Chương trình giáo dục phổ thông đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm cơ bản của chương trình trước đây, song chưa chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận trước các đại biểu Quốc hội: Hiện vẫn còn tình trạng học lệch, không chú trọng đến những kiến thức khác ngoài học văn hóa. Nguyên nhân về phía Bộ GD&ĐT là thiết kế số lượng các chương trình học hiện nay quá nhiều môn, trong khi thi tuyển đầu vào chỉ có một số môn, thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng hướng vào mỗi khối có 3 môn dẫn đến việc học lệch.

Sẽ thay đổi cách thi và đánh giá

Trả lời câu hỏi của 18 đại biểu Quốc hội làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong chương trình phổ thông hiện nay đã có những tích hợp để giảm dần các môn học. Sau năm 2015, chương trình sẽ tích hợp nhiều hơn, đồng thời, giảm dần khối lượng kiến thức hàn lâm, đưa thêm vào những kỹ năng sống.

Về việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đang dùng chỉ số tỷ lệ tốt nghiệp, tạo sức ép cho cả HS, thầy giáo lẫn lãnh đạo địa phương, Bộ trưởng cho biết:  "Chúng tôi có chủ trương sẽ tách kết quả thi tốt nghiệp với việc đánh giá chất lượng dạy và học ở các địa phương thành hai khâu. Chúng tôi đang tiến hành tham gia vào chương trình đánh giá học sinh quốc tế Pisa. Việc đánh giá này thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, độc lập với tỷ lệ tốt nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2013 sẽ công bố việc này và sẽ biết được chất lượng giáo dục phổ thông của ta nằm ở đâu so với một nhóm các nước phát triển".

Không phủ nhận tình trạng GVMN (và cả ĐH) phải làm việc 10 - 12 giờ/ngày, song Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết cần phải có thời gian để các nhà trường tuyển dụng đủ giáo viên và các địa phương chủ động về ngân sách. Ngành giáo dục đưa ra 3 giải pháp để chuẩn hóa giáo viên, giải quyết giáo viên dôi dư là: Đào tạo lại những giáo viên còn độ tuổi, cho các thầy cô nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công việc khác đối với các giáo viên lớn tuổi. Riêng việc khắc phục yếu kém của giáo viên, Bộ sẽ rà soát lại mạng lưới các trường ĐH. Bộ đang tiến hành điều tra, xem xét mạng lưới các trường sư phạm. Còn những cơ sở có ngành sư phạm, sẽ tính toán gắn nhu cầu đào tạo với mạng lưới và năng lực đào tạo. Đặc biệt, Bộ đang giao cho 2 trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, thiết kế chương trình dạy học ở phổ thông. 

 
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông, trong đó có SGK. Tới đây, UBTVQH sẽ triển khai giám sát việc thực hiện  chính sách giáo dục phổ thông trên toàn quốc.