Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhằm đề xuất giải pháp tăng thu cho ngân sách Nhà nước thông qua quá trình bán cổ phần tại các DNNN. VAFI cho rằng, chỉ cần thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, ngân sách có thể thu về 15 tỷ USD.
Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, trong suốt 10 năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách gắn cổ phần hóa với niêm yết chứng khoán nhưng hiệu quả còn chưa cao, nhiều DNNN đã cổ phần hóa không chịu niêm yết và thoái vốn. Có tới hàng trăm DN cố tình trốn tránh việc niêm yết và người đại diện cổ phần chi phối Nhà nước tại các DN cổ phần hóa đã không thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó .
Mục đích của việc ngăn cản Sabeco và Habeco niêm yết là gì ? Có nhiều mục đích nhưng việc dễ thấy nhất là bổ nhiệm người thân không có năng lực vào các vị trí chủ chốt tại DN, Phó chủ tịch VAFI nói.
Về hậu quả của việc cố tình trốn tránh niêm yết, VAFI cho rằng điều này không chỉ làm sút nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư vào tiến trình cổ phần hóa DNNN và Nhà nước thất thu hàng tỷ USD mà có thể đối diện với nguy cơ mất vốn hoặc thậm chí là mất hết vốn ở tại nhiều DN.
Cũng theo VAFI, cần phải có những chế tài mạnh hơn để buộc các DNNN phải niêm yết theo quy định của Chính phủ. Không thể để xảy ra tình trạng Thủ tướng chỉ thị nhưng Bộ trưởng không chấp hành hay những người đi làm thuê cho chính phủ (người đại diện cổ phần Nhà nước) cố tình không thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó. VAFI cho rằng, nếu bất kỳ người đại diện cổ phần Nhà nước nào cố tình trốn tránh việc niêm yết thì tự động mất tư cách là người đại diện cổ phần Nhà nước và khi đó các cấp có thẩm quyền sẽ cử người khác thay thế. Bên cạnh đó, nếu lãnh đạo Bộ, ngành địa phương nào ngăn cản DN cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó sẽ bị kỷ luật mà không cần phải họp để xét xử hình thức kỷ luật với cá nhân, Hiệp hội đưa ra giải pháp để Chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình niêm yết DNNN.
Theo Bộ Tài chính, tính tới hết tháng 7/2016, việc thoái vốn Nhà nước đã thu về hơn 5.600 tỷ đồng từ bán cổ phần, trong khi phần vốn ghi sổ của các đơn vị thoái vốn là gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, việc bán cổ phần tại 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư phần của các tập đoàn, tổng công ty đã thu được 424 tỷ đồng, (giá trị sổ sách là 381 tỷ đồng). Thu qua thoái vốn từ các lĩnh vực khác được 1.959 tỷ đồng (giá trị sổ sách là 1.259 tỷ đồng). Riêng SCIC đã bán 1.229 tỷ đồng vốn gốc, thu về 3.248 tỷ đồng. |