Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Thực trạng để hoang hoá, lãng phí trong sử dụng đất hiện nay được nói đến rất nhiều, vậy ngành có giải pháp nào để khắc phục, thưa ông?
- Vừa qua, khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, chúng tôi đã kiểm điểm về nội dung này và khẳng định là có một số hạn chế, yếu kém như việc quy hoạch sử dụng đất không sát, lựa chọn chủ đầu tư trong các dự án còn thiếu năng lực, hậu kiểm chưa quyết liệt… Chúng tôi rút kinh nghiệm vấn đề này, đồng thời đã báo cáo TP, trình Bộ TN&MT kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015. Trong đó nhấn mạnh đến chính sách chọn chủ đầu tư, phải có năng lực tổ chức thực hiện và năng lực tài chính; vấn đề hậu kiểm cũng được đặt cao hơn. Đặc biệt, cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư. Hiện ngành đang phối hợp với các quận, huyện kiểm tra, chấn chỉnh. Nếu những chủ đầu tư nào đã được tháo gỡ khó khăn, cảnh báo, nhưng vẫn không thực hiện được tiếp, chúng tôi dứt khoát trình TP thu hồi, sau đó có thể đấu giá hoặc giao cho các công trình công cộng.
Nhưng trên thực tế, nhiều dự án chủ đầu tư là các tổng công ty lớn, năng lực tài chính tốt, nhưng vẫn để đất hoang hóa?
- Việc này có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan như các chính sách, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Hiện nay, có một thực trạng là giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tài chính, nhưng kiểm soát năng lực tài chính lại chưa có các quy định chặt chẽ. Ví dụ, giao cho chủ đầu tư quyền triển khai dự án nếu họ có 20% tổng số vốn đầu tư, nhưng lại không kiểm soát được họ làm bao nhiêu dự án và tại bao nhiêu tỉnh, thành phố. Cho nên, về mặt pháp luật thì đúng, nhưng thực tế việc kiểm soát lại chưa cao. Đây cũng là vấn đề cần xem xét lại. Theo tôi, việc kiểm toán độc lập là rất quan trọng, nếu làm tốt được việc này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn.
Có rất nhiều các khu đô thị như Việt Hưng, Pháp Vân, Linh Đàm luôn để lại những lô đất rất lớn chưa biết khi nào được sử dụng. Thưa ông, vì sao lại để tồn tại tình trạng lãng phí này?
- Chúng tôi đã kiểm tra và cử tri cũng đã có ý kiến. Hiện, một số lô đất không phải không có mục đích rõ, nhưng trong triển khai thực hiện cụ thể, một số chủ đầu tư thường quan tâm tới việc đầu tư những công trình hoàn vốn nhanh, còn các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa được đôn đốc quyết liệt, họ chưa triển khai như trường học, cây xanh… TP đang tập trung và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất rà soát toàn bộ quỹ đất này. Những trường hợp không triển khai được, thành phố sẽ thu hồi và cấp ngân sách để triển khai, còn những trường hợp xã hội hóa, chúng tôi tổ chức đấu thầu, đấu giá chọn chủ đầu tư.
Vậy theo ông, tình trạng lãng phí đất đai sắp tới của Hà Nội có được khắc phục?
- Tôi cho rằng sẽ phải khắc phục dần, còn nói là khắc phục ngay e rằng khó.
Quan điểm của chúng tôi, đầu tiên là tháo gỡ cho chủ đầu tư để đưa đất vào sử dụng hiệu quả. Bởi các doanh nghiệp đã đầu tư lớn, nếu chúng ta cứ thu hồi cũng cần phải tính đến quy định có đền bù cho họ hay không và đền thế nào. Sau nữa, nếu các doanh nghiệp thực sự không có năng lực để triển khai tiếp, sẽ thu hồi như nhiều trường hợp chúng tôi đã làm.
Xin cảm ơn ông!