Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ “xóa sổ” những đơn vị không quan tâm đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu đất, thiếu kinh phí là hai thách thức đối với các đơn vị đang xây dựng trường...

Kinhtedothi - Thiếu đất, thiếu kinh phí là hai thách thức đối với các đơn vị đang xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG). Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Sở GD&ĐT Hà Nội với 30 quận, huyện về tiến độ xây dựng trường CQG năm 2015 - 2016 diễn ra sáng 1/10, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế đặc thù cho các huyện khó khăn, cơ chế đầu tư rõ ràng cho giáo dục.

Nhiều khởi sắc

 Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2015 - năm cuối của Kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), ngành giáo dục nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu TP giao, để 50 - 55% trường đạt CQG. Tính đến 30/9, toàn TP đã có 35/100 trường đạt CQG, tăng 13 trường so với cùng kỳ năm ngoái. Việc xây dựng trường CQG đã có những khởi sắc, trong đó, một số quận, huyện có tỷ lệ tăng vượt bậc so với đăng ký như: quận Hai Bà Trưng: 6/3, quận Hà Đông: 4/4, Đống Đa: 3/3.
Phòng thư viện tại trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
Phòng thư viện tại trường THPT Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
Là một trong những quận luôn đứng top đầu về xây dựng trường CQG, bà Lưu Thị Bích Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên cho biết, toàn quận có 86% trường công lập đạt CQG. “Quá trình xây dựng có nhiều thuận lợi, có chỉ tiêu 5 năm và bám sát kế hoạch từng năm. Hàng năm đều rà soát, sau 5 năm tiêu chuẩn nào cần điều chỉnh bổ sung, quận đều điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung theo đúng thời hạn quy định. Hiện 49 trường đạt chuẩn, trong tháng 10/2015 sẽ công nhận thêm 2 trường, đưa tỷ lệ trường đạt chuẩn của quận lên gần 90%” – bà Hằng cho biết. Cũng nằm trong top có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao, đại diện phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm cho hay, năm học này bổ sung thêm 100 phòng học. Dù mới được tách ra từ huyện Từ Liêm, nhưng quận đã nỗ lực đầu tư cho trường CQG.

 Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu, vẫn có một số đơn vị không hoàn thành, thậm chí ở mức không thực hiện được chỉ tiêu như: quận Ba Đình 0/2, huyện Ba Vì 0/4, Cầu giấy 0/1, Mỹ Đức 0/4, Phú Xuyên 0/3… Đại diện các đơn vị này giải thích, do thiếu kinh phí, kinh phí đầu tư không đủ để xây dựng trường chuẩn.

Cần cơ chế rõ ràng

 Xác định xây dựng trường CQG là mục tiêu quan trọng để phát triển giáo dục, song bên cạnh những thuận lợi, nỗ lực của toàn ngành, hành trình này vẫn gặp nhiều vướng mắc. Thuộc huyện có chỉ tiêu xây dựng CQG thấp nhất (21,6%), đại diện phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên cho biết, năm 2014 huyện phấn đấu xây dựng 5 trường, năm 2015 - 2016 kế hoạch đặt ra là đạt 5 trường. Song “Để đạt 5 trường trong năm 2015 là vô cùng khó khăn. Huyện đã có cơ chế đặc thù chia đều các lĩnh vực, nhưng cần cơ chế rõ ràng đầu tư cho giáo dục là bao nhiêu” – vị này kiến nghị.

 Chỉ tiêu xây dựng trường CQG của huyện Ba Vì chỉ hơn 0,1% so với huyện Phú Xuyên (21,7%), 2 năm gần đây đều vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên vẫn đạt tỷ lệ thấp nhất của TP. “Xuất phát điểm cơ sở vật chất thấp, đời sống kinh tế khó khăn, kinh phí của huyện rất ít, thu không đủ chi. Huyện mới chủ yếu tập trung xóa phòng học cấp 4, xóa phòng học tạm. Năm 2015, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn là 4 trường, hiện 2 trường trong tháng 11 sẽ báo cáo thẩm định, 2 trường còn lại phấn đấu cuối năm hoàn thành. Ngoài ra, 17 trường đạt từ 2008 thì mới có 2 trường được công nhận lại, 15 trường còn rất khó khăn về cơ sở vật chất. Với cơ chế đặc thù, trường miền núi sẽ phải tiếp tục cố gắng. Chúng tôi rất mong TP, Sở GD&ĐT có cơ chế đặc thù, bổ sung kinh phí để Ba Vì hoàn thành kế hoạch đề ra” - đại diện phòng GD&ĐT huyện Ba Vì chia sẻ. Ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: “Quận có tổng số 20/49 trường công lập đạt CQG chiếm 41%, mầm non tỷ lệ thấp nhất 5/12 trường. Chỉ tiêu năm 2015 là 2 trường CQG. Năm 2014 cũng đặt 2 trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực và Mầm non Thành Công, nhưng phải tạm dừng thẩm định hồ sơ, khất đến năm 2016 bởi đến tháng 6/2016, 2 trường này mới hoàn thành. Với những trường công nhận lại thì hiện đều có dự án cải tạo đồng bộ, quy hoạch tổng thể để thẩm định thời gian tới”.

 Đánh giá về việc xây dựng trường CQG, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga khẳng định, đầu năm 2015 đã đạt nỗ lực cao nhất với 35 trường CQG, 11 đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, “Các đơn vị lưu ý cập nhật văn bản mới để xây dựng cho phù hợp, tránh xây dựng manh mún, dàn trải. Đặc biệt, cần tập trung gom các điểm lẻ mầm non để xây dựng. Sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tiến trình công nhận lại ở các quận huyện, sẽ "xóa sổ" những đơn vị không quan tâm đầu tư. Đã phân cấp rõ ràng, trách nhiệm thuộc về quận, huyện” – bà Nga nhấn mạnh.