Qua gần một tuần triển khai đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía thị trường khi nhiều mặt hàng đã giảm giá bán đúng theo quy định của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại trong quá trình thực hiện chủ trương đầy tính nhân văn này. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính xung quanh những băn khoăn này.
- Theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính ngày 20/5, việc áp giá trần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ chỉ thực hiện trong 1 năm. Vậy làm thế nào để mặt bằng giá cả của mặt hàng này vẫn được duy trì sau khi hết hạn áp giá trần, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trên thực tế khi Chính phủ bàn chủ trương bình ổn giá đã xem xét tới thời gian áp dụng giá trần. Theo đó, thời gian 1 năm đủ dài để thiết lập một thị trường sữa với mặt bằng giá ổn định.
Để duy trì thị trường đã được lập lại trật tự trước hết các cơ quan chức năng phải tiếp tục thực hiện tốt các yêu cầu quản lý theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải tự giác tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, còn phải có sự phối hợp, tăng cường hoạt động giám sát của các tổ chức đoàn thể, của các cơ quan thông tin, báo chí và của cả người tiêu dùng.
- Theo phản ánh của người tiêu dùng, vẫn còn một số sản phẩm của các doanh nghiệp sữa, giá vẫn không thay đổi dù trước đó đã có thông báo thực hiện giá trần bán lẻ đúng ngày 21/6. Vậy Bộ Tài chính có những biện pháp nào để xử lý vấn đề này?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Theo Quyết định 1079, việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong khâu bán lẻ chậm nhất vào ngày 21/6/2014.
Việc có khâu nào đó chưa thông suốt dẫn đến có thể có một vài nơi chậm trễ trong quá trình thực hiện giá trần trong khâu bán lẻ cần phải được làm rõ nguyên nhân để có biện pháp thích hợp.
Nếu là do các doanh nghiệp chưa nắm vững được chủ trương, quy định, cách làm thì phải có sự hỗ trợ về phương pháp, cách làm; đồng thời đôn đốc nhắc nhở tuân thủ pháp luật. Trường hợp cố tình không thực hiện thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải lưu ý việc chậm trễ trong thực hiện sẽ có hại nhiều hơn có lợi vì theo quy luật của thị trường, chính người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm của doanh nghiệp và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp khác với mức giá thấp hơn, phù hợp với túi tiền của mình.
- Áp trần giá sữa được xem là động thái mạnh tay của Bộ Tài chính nhằm thiết lập sự ổn định của thị trường sữa. Tuy nhiên, điều này làm dấy lên những lo lắng sẽ làm giảm sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Áp trần giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi là một chủ trương được đồng thuận cao, phù hợp với pháp luật của Chính phủ nhằm bình ổn giá sữa. Không thể xem là sẽ làm giảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Trong thị trường sữa được bình ổn, các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào giá trần để định giá bán mang tính cạnh tranh của mình.
Như vậy vừa được sự đồng thuận của người tiêu dùng, vừa cạnh tranh với nhau một cách an toàn hơn nhiều trong thị trường.
Ngoài ra, với các phương pháp xác định giá trần đã hướng dẫn doanh nghiệp nào đầu tư sản phẩm mới có chất lượng cao có thể yên tâm là chi phí tăng thêm cũng sẽ là một cơ sở để xác định giá trần. Sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm không hề vì giá trần mà suy giảm.
- Người tiêu dùng lo ngại rằng, việc áp giá trần sữa sẽ khiến cho các doanh nghiệp dùng các chiêu trò để lách luật như sau khi bán hết sản phẩm bị áp giá, doanh nghiệp sẽ thay tên khác cho sản phẩm để bán giá mới… Bộ Tài chính đã lường hết những chiêu trò này chưa và sẽ sử lý những vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Vấn đề này cũng đã được cân nhắc khi xây dựng Quyết định bình ổn giá sữa. Theo đó, trong Quyết định đã tính đến việc doanh nghiệp có sản phẩm mới, chưa lưu thông trên thị trường, để từ đó có quy định doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc xây dựng phương án giá trần đối với sản phẩm theo phương pháp định giá chung để gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá và làm cơ sở để đăng ký giá bán.
Trường hợp sản phẩm mới là sản phẩm có chất lượng cao hơn thì việc có giá trần cao hơn phù hợp cũng là hợp lý và chưa thể xem đây là chiêu trò lách luật.
Trường hợp có phát sinh hành vi lách luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|