Siết chặt quản lý chất lượng các dự án tu bổ, tôn tạo di tích

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình giám sát công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, chiều 24/8, đoàn giám sát do Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao.

Theo Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa, hiện Thủ đô là địa phương có nhiều di tích nhất toàn quốc với 5.922 di tích, gồm nhiều loại hình khác nhau, trong đó có 2.235 di tích xuống cấp các hạng mục chính, trên 200 di tích xuống cấp nặng. Quá trình đô thị hóa gần đây cũng phần nào lấn át cảnh quan, ảnh hưởng đến không gian và môi trường di tích trong khu vực nội đô, khu vực đông dân cư. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích được TP quan tâm, mà nổi bật là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; phân bổ nguồn vốn và kêu gọi xã hội hóa (XHH) trong tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp... Trong đó, giai đoạn 2012-2017, toàn TP đã kêu gọi XHH trong trùng tu, tôn tạo di tích được khoảng 1.200 tỷ đồng.
Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại buổi làm việc. 
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Trương Minh Tiến cho rằng: Để tăng cường chất lượng, đẩy nhanh tiến độ tu bổ tôn tạo các di tích, trước hết quan trọng nhất là cần sớm chấn chỉnh năng lực quản lý của các ban quản lý dự án của các quận huyện và tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ tu bổ cho các cán bộ ở các ban này tham gia, sau đó giao về cho các dự án tu bổ di tích trên địa bàn quận huyện quản lý làm việc, thì mới chuyên nghiệp, đủ năng lực. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng của các nhà thầu tư vấn, giám sát, thiết kế, nhất là các đơn vị thi công. Ngoài ra, về xếp hạng di tích, cũng cần căn cứ theo nhu cầu địa phương, vì nhiều địa phương chỉ “nói miệng” chứ không có tờ trình, văn bản cụ thể gửi lên.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát ghi nhận vai trò tham mưu của Sở Văn hóa-Thể thao cho TP trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích thời gian qua. Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng, nhưng số di tích có giá trị xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo tại TP đang chiếm tới 1/3 tổng số di tích; công tác quản lý nguồn công đức còn bất cập; còn hiện tượng người trông nom, sư trụ trì di tích tự ý xây dựng công trình phá vỡ cảnh quan truyền thống di tích. Đặc biệt, nguồn ngân sách nhà nước dành cho việc chống xuống cấp di tích còn hạn hẹp, cùng với tiến độ triển khai chậm, dẫn đến một số dự án chậm, khiến số di tích được tu bổ, tôn tạo không nhiều so với nhu cầu thực tế.

Vì vậy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao cần tăng cường phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, thu hút nguồn XHH trong tôn tạo, tu bổ di tích; kiểm kê các cổ vật trong di tích; kiện toàn phát huy các ban quản lý di tích để hoạt động hiệu quả… Ngoài ra, đề nghị Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương, nhất là về quản lý chất lượng các công trình, chủ đầu tư, nhà thầu, nếu cần thì Ban sẽ cùng giám sát. Đồng thời, Sở Văn hóa-Thể thao cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để các địa phương tích cực lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng cho di tích. “Sau đợt giám sát này, chúng tôi tổng hợp các kiến nghị từ các sở, ngành, quận, huyện để đề xuất lên Quốc hội, Bộ VHTT&DL, TP”, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP khẳng định.