Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siết lại các “chợ mỹ phẩm”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỹ phẩm không được mượn danh nghĩa thuốc; việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm chất lượng kém sẽ bị thu hồi, phạt tiền và đình chỉ lưu hành; người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm...

KTĐT  - Mỹ phẩm không được mượn danh nghĩa thuốc; việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm chất lượng kém sẽ bị thu hồi, phạt tiền và đình chỉ lưu hành; người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm...

Đó là những quy định tại Thông tư về quản lý mỹ phẩm do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 1/4/2011. Vấn đề đặt ra là liệu với quy định mới này có làm cho thị trường mỹ phẩm “an toàn” hơn?

Rước họa vì mỹ phẩm!

Tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Lương Văn Can, Nguyễn Lương Bằng, Cầu Giấy, Kim Mã... các mặt hàng mỹ phẩm với đủ loại phấn má, kem dưỡng da, phấn nền, mascara, kem chống nắng, sữa rửa mặt, nước hoa được bày bán khá đa dạng.

Điều đặc biệt là giá của các sản phẩm này đều rất rẻ, trọn bộ trang điểm từ kem, phấn, son, mắt chỉ trên trăm ngàn. Sang hơn một chút, những mỹ phẩm của các hãng nổi tiếng như Clinque (Mỹ), Sisheido (Nhậ Bản), O Hui (Hàn Quốc), Loreal (Pháp), Estee Lauder (Mỹ)... được cho vào tủ kính hoặc bày trên bàn. Thế nhưng, những sản phẩm này đều được bán giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, thậm chí nhiều mặt hàng mua 1 tặng 1.

Hình thức in trên vỏ hộp các sản phẩm này đều khá giống với hàng chính hãng, hầu hết đều có dán loại tem màu ngả vàng, với dòng chữ “tem chống hàng giả” hoặc “đảm bảo chính hãng” nhưng nếu tinh ý thì sẽ thấy trên một số tem có chữ viết sai chính tả hoặc không ghi xuất xứ, tên nhà sản xuất mà chỉ có tên nhà nhập khẩu...

Theo BS Nguyễn Thành, Trưởng khoa khám bệnh - Viện Da liễu Quốc gia, khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, nguy cơ bị dị ứng là rất cao tùy theo cơ địa của từng người, thậm chí còn có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. Nhẹ thì bị dị ứng với các biểu hiện đỏ, rát mặt hoặc những bệnh về da như da bị dị ứng, nổi mụn, nổi sần ngứa, đỏ mặt hay còn có thể bị những bệnh như nám, chàm, viêm nang lông, nguy hiểm hơn là bị nhiễm trùng da.

Có thể khởi kiện

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, theo quy định về quản lý mỹ phẩm mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4, các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường phải có trách nhiệm theo dõi, phát hiện và thu hồi ngay mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giải quyết kịp thời khiếu nại của khách hàng về chất lượng mỹ phẩm, bồi thường thiệt hại cho khách hàng... Đồng thời trong trường hợp phát hiện những tác dụng phụ ảnh hưởng đến tính mạng người dùng, phải báo cáo với Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được thông tin đầu tiên về tác dụng phụ.

Cũng theo quy định này, kể từ ngày 1/4, mỹ phẩm không đảm bảo an toàn về thành phần chất màu, chất cấm (như chì, asen, thủy ngân), chất lọc tia tử ngoại, chất bảo quản... sẽ phải thu hồi, không được lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, trên thị trường mới chỉ có khoảng hơn 15.000 loại mỹ phẩm đã đăng ký lưu hành. Số lượng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ cụ thể vẫn còn khá khiêm tốn với mỹ phẩm trôi nổi kém chất lượng và hàng “xách tay” bạt ngàn trên thị trường. Và lực lượng chức năng cũng chỉ kiểm tra được các cơ sở kinh doanh lớn còn những điểm bán lẻ ở chợ, các lề đường thì vẫn... bỏ ngỏ.