Siết quy định để ngừa tham nhũng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019), ngày 27/3, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.

Nhận được quà tặng không đúng quy định phải từ chối
Giới thiệu dự thảo nghị định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, có nhiều nội dung mới trong 11 chương của dự thảo. Thông tin đáng chú ý tại dự thảo là quy định về tặng quà.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng. Việc tặng quà phải theo đúng quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng.
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Nguyên
Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định của Nghị định này.
Nghị định cũng quy định rõ, trường hợp người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.
Quy định thời hạn tham gia kinh doanh sau khi nghỉ hưu
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh, thêm một thông tin đáng lưu ý trong dự thảo là quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành DN tư nhân sau khi thôi giữ chức vụ. Cụ thể, dự thảo quy định lãnh đạo, quản lý của 14 bộ, ngành thôi giữ chức vụ không được kinh doanh ở lĩnh vực mình quản lý được chia làm 4 nhóm.
Theo đó, nhóm 1 quy định, người thôi giữ chức vụ không được kinh doanh lĩnh vực mình quản lý trong thời gian từ 12 - 24 tháng. Đó là các Bộ: Công Thương, GTVT, KH&ĐT, LĐTB&XH, NN&PTNT, Tài chính, TN&MT, TT&TT, Xây dựng, Tư pháp; NHNN Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Nhóm 2 gồm 6 bộ, ngành: Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, người có chức vụ đã nghỉ không được kinh doanh trong 6 - 12 tháng.
Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao sẽ do Bộ trưởng của 3 bộ này ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù. Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực và thời hạn mà người thôi giữ chức vụ không được kinh doanh.

Tham nhũng là một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình tiến tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, ước tính hàng năm có khoảng 3.600 tỷ USD bị thất thoát do tham nhũng. Đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt hơn.