Siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng: Không rõ chế tài, sẽ còn thêm nhiều doanh nghiệp trăm, nghìn tỷ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, thông tin về Công ty Cổ phần (CTCP) tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có vốn điều lệ lên đến 128.000 tỷ đồng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đến nay, các thông tin liên quan đến lãnh đạo, các hoạt động kinh doanh của công ty này đã dần được hé mở.

"Sống 3 không" suốt 4 năm

CTCP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (đăng ký trụ ở số 143, phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Năm 2018, Công ty Toàn Cầu đăng ký thành lập với số vốn điều lệ 132 tỷ đồng, ông Bùi Văn Việt là Tổng giám đốc. Ông Việt hiện đang cư trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Từ tháng 6/2019, DN này công bố tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD). Cổ đông nước ngoài David Aristotle Phan góp 51.161 tỷ đồng.

 CTCP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu công bố tăng vốn lên gần 128.000 tỷ đồng

Theo cán bộ địa phương, ông Việt là người kinh doanh tạp hóa bình thường. Ngôi nhà ông Việt đang sống là căn nhà cấp 4 khoảng 50 m2, nằm sâu tận trong ngõ của thôn Yên Trường 2, xã Trường Yên. Thông tin ông này góp vốn hàng chục đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho một DN tại Hà Nội khiến người dân sống quanh nhà ông Việt hết sức bất ngờ. "Ông ấy làm gì có nhiều tiền đến thế mà làm tổng giám đốc "siêu" công ty, đến tiền xây nhà, mua xe còn không có…"- một người dân cho biết.

Theo lời ông Việt, năm 2018 ông cùng 4 người khác thành lập ra CTCP Tập đoàn đầu tư và thương mại Toàn Cầu với vốn điều lệ ban đầu là 132 tỷ đồng. Đến năm 2019 ông David Aristotle Phan (Việt kiều Mỹ) tham gia vào công ty và nâng vốn điều lệ của công ty lên gần 12.000 tỷ đồng và nắm giữ 40% cổ phần và là Chủ tịch HĐQT.

“Theo kế hoạch, sau khi góp vốn các cổ đông sẽ bằng cách nào đó để nhường lại 1 số cổ phần cho ông David Aristotle Phan, để ông ấy nắm giữ 60% vốn, phần còn lại là chúng tôi nắm giữ. Tuy nhiên, vốn điều lệ gần 128.000 tỷ chỉ là đăng ký, ông David Aristotle Phan chưa "đổ" tiền về... Nếu các cổ đông không có tiền góp vốn thì vay hoặc ông David Aristotle Phan sẽ đóng hộ"- ông Việt thông tin.

"Hiện nay, CTCP Tập đoàn đầu tư và thương mại Toàn Cầu vẫn chưa hoạt động gì, chưa có doanh thu, nhân sự chỉ có 5 người… Nhiều người nói chúng tôi trốn thuế, thực ra công ty có doanh thu đâu mà đóng thuế"- ông Việt nói

Theo đăng ký, 5 thành viên sáng lập của công ty gồm: Ông Bùi Văn Việt (nắm 18% vốn điều lệ), bà Phạm Thị Thành (nắm 36% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hậu (nắm 18% vốn điều lệ), ông Đỗ Công Đảng (nắm 18% vốn điều lệ) và ông Trần Đức Thuỷ (nắm 10% vốn điều lệ).

Bà Phạm Thị Thành (65 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ từ ngày thành lập, trả lời Báo Người lao động khẳng định: “Chúng tôi chưa góp đồng nào, tất cả đều chờ ông Phan về nước. Tôi đăng ký nắm giữ 36% vốn điều lệ, nhưng chưa góp đồng vốn nào, các cổ đông khác cũng vậy, chúng tôi chỉ đăng ký vai trò cổ đông mà thôi”.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, CTCP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn cầu đăng ký tăng vốn điều lệ lên gần 128.000 tỷ đồng, nhưng từ khi thành lập đến nay, chưa phát sinh doanh thu, không sử dụng hóa đơn.

Theo kết quả tra cứu nhanh của cơ quan thuế, từ khi thành lập vào cuối năm 2018 đến nay, DN này mới chỉ nộp thuế môn bài, chưa thông báo đến cơ quan thuế về việc phát sinh hóa đơn, DN này chưa có tờ khai thuế Thu nhập DN, thuế Giá trị gia tăng.

Ảo mà pháp luật không làm gì được?

Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đang kiểm tra, rà soát về "siêu DN" đăng ký tăng vốn điều lệ lên gần 128.000 tỷ đồng.

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Đỗ Văn Tình cho hay, theo quy định của Luật DN, DN tự kê khai và chịu trách nhiệm về việc kê khai vốn điều lệ cũng như đăng ký tăng vốn điều lệ. Khi DN kê khai, Phòng đăng ký kinh doanh đã rà soát hồ sơ, đảm bảo đúng thủ tục để cấp cho DN.

Hiện nay theo chủ trương chung của Chính phủ, các cấp đều tạo môi trường thông thoáng, đơn giản thủ tục, hồ sơ cấp phép kinh doanh cho DN. Trong trường hợp DN không thực góp vốn theo đăng ký trong thời gian quy định, có chế tài xử phạt hành chính và yêu cầu điều chỉnh vốn. Tuy nhiên, ông Tình cho rằng, mức xử phạt hiện nay còn một số bất cập, cần có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh cho biết thêm, DN này thành lập năm 2018, đến tháng 6/2019 đăng ký điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, có sự xuất hiện của cổ đông nước ngoài nên liên quan đến một số việc khác như mở tài khoản theo quy định NHNN Việt Nam để góp vốn.

Về công tác quản lý đăng ký kinh doanh, ông Đỗ Văn Tình cho hay, sau khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho DN, cơ quan đăng ký kinh doanh đều có thông báo cho cơ quan thuế, liên thông dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Với vai trò quản lý nhà nước, chúng tôi yêu cầu DN báo cáo, cùng với đó là lấy thông tin từ cơ quan thuế, UBDN quận để làm rõ"- ông Tình cho biết khi có kết quả rà soát, kiểm tra sẽ thông tin cụ thể.

 Ảnh minh họa

Theo LS Trương Thanh Đức, DN có thể đăng ký số vốn mình muốn và trong thời hạn 90 ngày kể từ khi đăng ký nếu không góp đủ vốn cũng không vi phạm pháp luật. Luật quy định sau 3 tháng không góp đủ vốn, thì 10 ngày tiếp theo phải đăng ký giảm vốn, trường hợp không giảm thì bị xử phạt, đi kèm với đó cổ đông phải giảm vốn. “Nếu DN đăng ký vốn điều lệ cả triệu tỷ đồng nhưng sau 90 ngày không góp đủ vốn đã đăng ký hoặc không chỉ đăng ký giảm vốn, mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng”- ông Đức chia sẻ.

"Thế nhưng, luật hiện tại chưa đi đến cùng vấn đề. Bởi chưa có quy định cụ thể rằng nếu DN nộp phạt nhưng không giảm vốn sẽ phải chịu trách nhiệm gì?", ông Đức nói.

LS Trương Thanh Đức cho rằng, việc siêu DN 128.000 tỷ đồng tồn tại “3 không” suốt 4 năm có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, công ty không phát sinh khiếu nại, tố cáo dẫn đến bị "lãng quên", trách nhiệm thuộc về DN đăng ký đúng hay sai phải tự chịu trách nhiệm. Còn phía cơ quan chức năng chỉ khi có thanh tra, kiểm tra mới vào xử lý.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS cho biết việc nhiều công ty có vốn hàng trăm ngàn tỷ được thành lập gần đây là bất thường nhưng không bất hợp pháp. Bởi theo quy định pháp luật hiện hành, luật không quy định DN phải đăng ký bao nhiêu vốn tối thiểu và tối đa trừ DN kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu. Vậy tức là họ không vi phạm quy định của Luật DN và văn bản hướng dẫn thi hành khi thành lập DN. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải cẩn thận khi DN khai khống số vốn góp nhằm PR, trục lợi lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số liệu vốn điều lệ sai thực tế có thể khiến cho các nhà đầu tư và những chủ nợ đánh giá sai về giá trị và năng lực tài chính của DN đó.

Theo các luật sư, con số vốn "khủng" như trường hợp 500.000 tỷ đồng ở TP HCM trước đó, hay tăng vốn lên gần 128.000 tỷ đồng ở Hà Nội chỉ là "tiền trên giấy". Con số đăng ký chỉ là ảo, phần vốn góp vào thực tế bao nhiêu mới đúng bản chất của DN. Giờ nếu DN đăng ký vốn điều lệ cả triệu tỷ đồng nhưng sau 90 ngày không góp đủ vốn đã đăng ký hoặc không chỉ đăng ký giảm vốn, mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng. Do đó, các nhà làm luật cần xem xét tăng mức khung hình phạt đối với hành vi trên để có đủ sức răn đe DN khác phải biết tuân thủ pháp luật hơn. "Nếu vẫn giữ nguyên các quản lý như hiện tại, sẽ có nhiều những DN nghìn tỷ xuất hiện. Ví dụ, tôi thành lập DN nghìn tỷ đô la, sau đó, tôi xin tạm ngừng hoạt động 20 hay 30 năm vẫn hợp lệ. Trong thời gian này tôi không phải nộp thuế, không phải báo cáo, không nghĩa vụ, trách nhiệm" - LS Trương Thanh Đức nêu vấn đề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần