Nhiều đề nghị tăng giá
Thông tin từ Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho thấy, từ giữa tháng 9 đến nay, nhiều DN cung ứng hàng hóa trong đó có cả những DN lớn đều đã đề nghị tăng giá sản phẩm 5 - 10% và áp dụng vào đầu tháng 10/2012. Những mặt hàng được DN cung cấp đề nghị tăng giá lần này tuy chỉ chiếm từ 5 - 10% tỷ trọng hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị nhưng tập trung vào các mặt hàng có sức tiêu thụ tốt như hàng may mặc, nhựa, hóa mỹ phẩm… Chẳng hạn, mặt hàng tã giấy Pamper của P&G tăng 10%; Sản phẩm nước giải khát của Coca Cola tăng từ 8 - 10%; một số loại đồ uống đề nghị mức tăng đến 17%...
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Co.opMart Hà Nội cho biết: Tính đến thời điểm này, siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 30 - 40% DN cung ứng hàng hóa ở các ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm với mức tăng từ 5 - 10%. Một số hãng bia, nước ngọt mặc dù chưa gửi thông báo tăng giá nhưng lại gửi thông báo tạm ngưng giao hàng để kiểm tra sổ sách, đầu tháng 10 mới nhận đơn đặt hàng mới với mức giá tăng thêm khoảng 10% đối với mặt hàng bia, nước ngọt.
Việc tăng giá này chủ yếu do các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas… thời gian qua có nhiều biến động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sản xuất, kinh doanh của các DN, đẩy giá thành sản phẩm tăng.
Mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Hapro. Ảnh: Hoài Nam
Từ chối tăng giá, bảo vệ sức mua
Thời gian trước đây, hầu hết các siêu thị đều sẽ đồng ý với DN cung ứng tăng giá hàng hóa khi đầu vào có biến động. Nhưng lần này các siêu thị đều từ chối những đề nghị bất hợp lý, đồng thời đàm phán với nhà cung cấp để đảm bảo mức giá hợp lý.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết: Thời điểm hiện nay do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, trong 9 tháng qua doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị chỉ tăng 4%, trong khi đó mức tăng trung bình của các năm trước đạt từ 10 - 11%. Điều đó cho thấy, nếu giá hàng hóa tiếp tục tăng sẽ rất khó tiêu thụ. Nhằm giữ sức mua, các siêu thị vẫn đang xem xét, đàm phán để bảo đảm mức giá hợp lý và phối hợp với nhà cung cấp giữ giá thông qua các chương trình khuyến mại, tăng lượng đặt hàng, ứng vốn cho nhà cung cấp sản xuất…
Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại Big C, Siêu thị này đang thương lượng với DN cung ứng để có mức điều chỉnh giá thấp nhất có thể và kéo dài thời hạn áp dụng giá mới tùy theo mỗi mặt hàng. "Big C sẽ tăng lượng hàng đặt, cam kết hợp đồng lâu dài hơn, kiên quyết hủy bỏ những mặt hàng điều chỉnh giá cao, không có lý do chính đáng" - bà Trang cho biết.
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho rằng, không phải cứ đề nghị tăng giá là được Hapro đồng ý mà phải xem xét tính hợp lý của việc tăng gia, bởi không thể áp hết chi phí vào giá thành sản phẩm. Nếu nhiều DN cung ứng cùng một chủng loại hàng hóa nhưng chỉ một vài đơn vị đòi tăng giá, Hapro sẽ tìm kiếm ngay DN cung ứng khác có hàng hóa chất lượng tương đương nhưng giá cạnh tranh hơn. Với những trường hợp tăng giá có cơ sở thuyết phục, Hapro sẽ tiếp tục đàm phán nhằm áp dụng tăng giá theo lộ trình.
Song song với việc kiềm chế đến mức tối đa việc các DN cung ứng tăng giá hàng hóa, các siêu thị còn đẩy mạnh tăng lượng hàng khuyến mại lên 1.000 - 2.000 sản phẩm/đợt và giảm giá sâu đến 30 - 40% nhiều mặt hàng kéo dài đến cuối năm, đồng thời mở rộng nhãn hàng riêng có giá rẻ hơn các nhãn hiệu tương đương từ 10 - 70% để người tiêu dùng có nhiều chọn lựa. Trong tháng 11 tới, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tổ chức Tháng khuyến mại 2012 với gần 1.000 điểm khuyến mại giảm giá tối thiểu từ 15%, có 25 "Điểm vàng" khuyến mại giảm giá sâu đến 50% nhiều mặt hàng vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.