KTĐT - Một số nhà cung cấp đã ngưng giao hàng do BigC không chấp nhận yêu cầu tăng giá. Các siêu thị khác cũng dồn dập nhận "tối hậu thư" điều chỉnh giá trong tháng tới.
Các bảng thông báo có nêu lý do thiếu hàng được treo khắp nơi trong hệ thống siêu thị Big C. Hãng cho biết đang tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khách hàng như trước. Những sản phẩm khan hiếm chủ yếu là thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm.
"Có những nhà cung cấp đã tăng giá cuối năm ngoái, sau Tết tăng tiếp và giờ lại đòi điều chỉnh nữa là điều bất hợp lý", đại diện một siêu thị ở TP HCM cho biết. Theo bà, mỗi mặt hàng, mỗi nhà cung cấp có đặc thù kinh doanh riêng nên với mỗi yếu cầu tăng giá, siêu thị đều xem xét liệu có hợp lý không. Với những nhà cung cấp cả năm ngoái chưa điều chỉnh, hiện tại khi nguyên liệu cũ tồn kho đã hết nên phải nhập nguyên liệu mới thì việc đề xuất thay đổi giá có thể chấp nhận được.
Phó giám đốc kinh doanh Cititmart Ngô Văn Hải cho rằng trong tháng này ông nhận khoảng 50 văn bản báo tăng giá với mức tăng 5-10% và trải rộng ở tất cả các nhóm hàng. Vẫn là điệp khúc quen thuộc: chi phí đầu vào, tỷ giá thay đổi, trượt giá..., doanh nghiệp hiện không thể gồng gánh hơn nữa, buộc phải điều chỉnh giá và đã có văn bản đề nghị siêu thị chia sẻ khó khăn. Theo ông Hải, trong tháng 5 cũng có thêm hàng loạt doanh nghiệp khác chính thức áp giá mới.
Trước tình hình này, phía siêu thị đã tăng mua các mặt hàng thiết yếu mà giá đang ổn định để trữ trong kho, phòng trường hợp giá điều chỉnh cũng có sẵn lượng tồn kho cung ứng cho người tiêu dùng, tránh việc thay đổi giá quá nhanh và đột ngột sẽ khiến người tiêu dùng sốc, ông Hải cho biết.
"Giá là vấn đề đau đầu với siêu thị hiện nay", Giám đốc siêu thị Maximark Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ. Theo bà, dù nhà cung cấp đề nghị điều chỉnh giá bán, nhưng phải sau 30 ngày kể từ ngày có thông báo gửi tới siêu thị, nhà cung cấp mới được áp dụng mức mới. Trong khoảng thời gian này, siêu thị sẽ đi thực tế ngoài thị trường để xem mức tăng đề xuất có hợp lý không. Và một khi quyết định thay đổi giá bán, siêu thị sẽ phải cân nhắc nhiều vấn đề khác nữa, như: các chương trình khuyến mãi đi kèm... để ấn định mức giá bán cạnh tranh nhất. Đó là một quy trình, chứ không phải yêu cầu tăng giá nào của nhà cung cấp cũng được chấp nhận.
Dù phải đối phó với các "tối hậu thư" của nhà cung cấp, song hiện tại các siêu thị ở TP HCM cũng tung nhiều chương trình khuyến mãi, chủ yếu là giảm giá 5-50% để kích cầu mua sắm dịp lễ 30/4 và 1/5 với số lượng hàng nghìn mặt hàng.
Trong khi đó, ở các chợ truyền thống, giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng ổn định, kể từ sau đợt điều chỉnh mạnh do tác động của chi phí xăng dầu. Mặc khác, theo chia sẻ của các tiểu thương, sức mua suy giảm do hàng hóa đắt đỏ so với trước nên nếu tiếp tục tăng giá sẽ rất khó bán. Hiện thịt ba rọi, đùi dao động 100.000-110.000 đồng một kg, thịt bò 180.000 đồng. Rau củ quả có phần giảm nhiệt so với cách đây cả tháng. Cà chua 10.000 đồng một kg, bầu bí, dưa leo, bắp cải, rau muống giảm nhẹ 2.000 đồng so với vài tuần trước, sức mua thấp.