KTĐT - Ông Kiyonaga Noriaki, Viện trưởng Viện Đông phương (Nhật Bản), cho biết những SV được chọn có điểm học tập tốt và vượt qua được vòng phỏng vấn trực tiếp của các chuyên gia Nhật Bản.
Học tập và làm việc tại Nhật Bản trong 6 tháng giúp sinh viên tiếp cận nền văn hóa Nhật Bản một cách thiết thực, nâng cao khả năng giao tiếp“Ông bà ta dạy “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chúng tôi thấy mình cũng trưởng thành hơn, “khôn” hơn sau 6 tháng học tiếng và thực tập văn hóa du lịch tại Nhật Bản”. Đó là tâm sự chung của 9 sinh viên (SV) năm thứ 3 ngành Nhật Bản học (Khoa Đông phương học - Trường ĐH Văn Hiến TPHCM) trong buổi báo cáo kết quả học tập sau ngày trở lại trường vào cuối tháng 12-2009.
Học chăm, làm việc cũng chăm
Ông Kiyonaga Noriaki, Viện trưởng Viện Đông phương (Nhật Bản), cho biết những SV được chọn có điểm học tập tốt và vượt qua được vòng phỏng vấn trực tiếp của các chuyên gia Nhật Bản. Hiện phía Nhật đã chọn được 14 SV cho đợt 2. Số SV này đang hoàn tất thủ tục để có thể đến Nhật vào quý II/2010. Giữa tháng 12-2009, phía Nhật cũng đã phỏng vấn đợt 3 và dự kiến những SV đợt này sẽ đi thực tập tại Tokyo vào khoảng quý III/2010. SV ngành Nhật Bản học của Trường ĐH Văn Hiến rất chịu khó, tự tin.
Ông Toyama Akira, Viện trưởng Viện Châu Á (Nhật Bản), người trực tiếp quản lý 9 SV thực tập đợt 1 tại Nhật Bản, cũng nhìn nhận như vậy. Ông kể vanh vách tên tuổi, tính tình, sự chịu thương chịu khó của từng SV qua Nhật thực tập vừa xong. Ông nói: “Các cháu tốt lắm. Học chăm, làm việc cũng chăm. Khách sạn nhận các cháu thực tập, ai cũng khen. Khi về, có nhiều người khóc, kể cả vị quản lý khách sạn. Kỳ thi năng lực Nhật ngữ vừa qua, các cháu đều đạt loại khá trở lên”.
Gắn học với hành
SV Đặng Kim Mạnh kể về những khó khăn bước đầu khi qua Nhật. Tiếng Nhật học trong sách vở không có gì sai nhưng đó là tiếng phổ thông, giao dịch thường ngày. Đến Nhật thì... lúng túng, nhất là khi xưng hô. Người Nhật rất thích chào, nên mình cũng... mệt! Nhưng chỉ một thời gian ngắn, tất cả SV thực tập đều nắm bắt được ngay và thấy đó là những tập tục tốt.
SV Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết người Nhật rất hiếu khách và rất quý những SV đến thực tập tại nhà hàng- khách sạn của họ. Với họ, học phải gắn với hành, nhà trường phải gắn với xã hội. Do đó, họ không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho SV thực tập mà còn chỉ dẫn thêm cách cười, cách nói, cách bắt tay, cách trao danh thiếp, cách trả lời điện thoại...
SV Nguyễn Thị Thanh Tuyền nói lời cám ơn với các vị khách bằng tiếng Nhật khá trôi chảy. Ông Toyama Akira miệng cười nhưng mắt rưng rưng. Các SV thực tập cho biết trong suốt 6 tháng ở Nhật, họ xem ông Toyama Akira như người thân, bởi ông thường xuyên đến thăm, động viên, kể chuyện, đưa họ đi thăm những điểm vui chơi quanh Tokyo. Ông Toyama Akira nói: “Tôi theo các cháu về VN đợt này là muốn “giao” các cháu tận tay các thầy cô ở VN mới yên tâm”.
PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến: Giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế Năm 2008, trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Fairton (Nhật Bản) về chương trình cho SV đi thực tập tại Nhật Bản trong 6 tháng. Mục đích của chương trình là giúp SV có cơ hội tiếp cận nền văn hóa Nhật Bản một cách thiết thực và nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Nhật cho SV. Chi phí trong quá trình thực tập tại Nhật Bản như ký túc xá, ăn uống, đi lại, học tiếng Nhật do Công ty Fairton chi trả. Quá trình thực tập (làm việc và học tập) tại Nhật được nhà trường công nhận có giá trị tương đương 20 tín chỉ. Hiện nhà trường và Khoa Đông phương học đang làm việc với phía Hàn Quốc. Hy vọng SV ngành Hàn Quốc học của trường cũng có những đợt làm việc và học tập như thế. |