Do đó, cần phải xây dựng các giải pháp đồng bộ, từ đó kiên trì thực hiện từng bước, ưu tiên các giải pháp mang tính cộng đồng. Đồng thời kêu gọi thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân, thậm chí, mỗi người dân có thể là một chiến sĩ CSGT.
Hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Tú Oanh
Hạn chế phương tiện cá nhân
Một chuyên gia người Đức sang Việt Nam khảo sát giao thông đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP. HCM đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến giao thông những nơi này luôn bị ùn ứ, là tại đô thị thiếu đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Bởi tại nhiều nước, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm là giải pháp hữu hiệu nhất giải quyết ùn tắc giao thông. Điển hình, nước Đức đã xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ đầu thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất.
Để thu hút người dân đi tàu điện ngầm, tại các nhà ga ở Đức luôn được thiết kế, trang trí những hình vẽ đa dạng, thậm chí cả các tác phẩm hội họa. Dịch vụ giải trí và ăn uống như những quầy bán sách, báo, bia, cà phê được mở để phục vụ hành khách. Trên tàu điện ngầm không có người soát vé, nhưng tại mỗi thành phố của Đức vẫn bố trí nhóm kiểm soát viên, mặc thường phục, thường xuyên kiểm tra vé của khách. Nếu phát hiện đi "chui" hoặc dùng vé giả, người đó sẽ bị phạt nặng, số tiền gấp nhiều lần tiền mua vé. Bên cạnh đó, các tuyến tàu điện ngầm đều được nối với hệ thống đường sắt truyền thống, tạo sự thuận lợi cho hành khách.
Trở lại Việt Nam, theo chuyên gia này, ngoài việc sử dụng phương tiện xe buýt công cộng, cần tiến tới xây dựng đường sắt trên cao và tàu điện ngầm sẽ giúp giải quyết rất nhiều hệ lụy giao thông như tình trạng kẹt xe giờ cao điểm, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đến sức khỏe của toàn dân, tiết kiệm được năng lượng như xăng, dầu. Đầu tư vào tàu điện ngầm rất tốn kém nhưng là đầu tư lâu dài.
Cùng với đó, cần từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống cơ sở hạ tầng. Bởi thực tế cho thấy, nguyên nhân tắc đường phần nhiều của Hà Nội hiện nay là có quá nhiều phương tiện cá nhân, nhất là ô tô. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Nên hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là ô tô được coi là giải pháp trước mắt cho giao thông Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Để mỗi người dân là một cảnh sát giao thông
Theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia quốc tế, giao thông Việt Nam không khác nhiều so với các nước trên thế giới, nhưng văn hóa tham gia giao thông lại rất kém. Ở nhiều nước, hiếm khi thấy bóng dáng của CSGT, nhưng tất cả mọi người vẫn nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu đèn và biển báo. Tuy nhiên, nếu ai cố tình vi phạm, thì chỉ cần một lỗi nhỏ cũng ngay lập tức được phát hiện với những bằng chứng, hình ảnh cụ thể và bị xử phạt nghiêm khắc theo pháp luật.
Trong khi đó tại Hà Nội, ngay cả khi có CSGT, người tham gia giao thông nhiều khi vẫn thản nhiên vi phạm, đối tượng vi phạm nhiều nhất là thanh niên. Do đó, cách tốt nhất là tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông, đồng thời phát động mỗi người dân hãy trở thành CSGT bằng việc tích cực phát hiện, quay, chụp lại hình ảnh sai phạm gửi đến cơ quan chức năng, đơn vị quản lý để bị xử phạt nghiêm khắc. Tiền phạt sẽ được trừ vào lương, đánh vào thi đua xếp loại hàng tháng. Nên phát động phong trào này đến tất cả mọi người, toàn xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên tổ chức khen thưởng, tuyên dương những cá nhân, tập thể tích cực.
Đối với cơ quan công an quản lý phương tiện ô tô, xe máy và các phương tiện khác cần số hóa thông tin trên internet. Từ thông tin chủ sở hữu, địa chỉ, tên người đăng ký, các thông số về Chứng minh thư nhân dân, điện thoại, cơ quan công tác và một số thông tin khác. Khi cần tra cứu chỉ gõ biển số là toàn bộ thông tin liên quan hiển thị. Điều này vừa giúp nâng cao công tác điều tra và gửi bằng chứng, tang chứng về địa chỉ cư trú và cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối tượng vi phạm. Đồng thời tạo cơ sở dữ liệu cho các tổ chức, đơn vị chức năng đánh giá tình hình vi phạm, đưa ra các giải pháp hợp lý giảm UTGT, TNGT Thủ đô.