Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, hiện người nghiện ma túy đã có mặt ở 100% tỉnh, thành phố; gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội như: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động… Trước thực trạng trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động chỉ đạo quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Đến nay, đã có 63 tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ và quản lý sau cai nghiện. Đến tháng 9-2014, cả nước có 142 Trung tâm cai nghiện ma túy (trong đó có 123 Trung tâm nhà nước quản lý và 19 Trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập) đang quản lý và cai nghiện cho khoảng 32.200 người. Đồng thời, công tác tiếp nhận và phân công quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy được các tỉnh thực hiện theo đúng quy trình: người nghiện ma túy sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tại Trung tâm được bàn giao UBND cấp xã tiếp nhận, lập hồ sơ theo dõi, giúp đỡ. UBND cấp xã giao cho các ban, ngành, đoàn thể, Đội công tác xã hội tình nguyện phối hợp với các Tổ dân phố, gia đình quản lý, giúp đỡ, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ vốn giúp người sau nghiện hòa nhập cộng đồng. Kết quả, theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ năm 2011 đến 9-2014, cả nước có 39.971 lượt người được dạy nghề, 13.472 lượt người được tạo việc làm, 2.155 người được vay vốn với tổng số tiền cho vay là 10.756 tỷ đồng.