KTĐT - Đến tuổi cập kê, mẹ tôi dập dìu người tới dạm ngõ, dì vẫn phòng không. Dì chẳng quan tâm, còn bảo, mẹ tôi mà đi lấy chồng, dì sẽ đến ở cùng. Vậy mà thành thật. Ông bà ngoại lần lượt mất, dì dọn về ở với gia đình chúng tôi.
Tạo hoá trêu ngươi khi để dì và mẹ trái ngược nhau đến vậy. Mẹ tôi đẹp rạng ngời với dáng người thon thả, nước da trắng mịn, mái tóc mượt mà dài chấm gót, còn dì cục mịch, người ngắn tũn, môi trề, mắt xệ. Dì dở dở ương ương, lúc dại lúc khôn.
Biết thế, dì lúc nhạt lúc ngọt, vừa dỗ vừa doạ mẹ ăn cho bằng hết. Được cái dì cũng thương mẹ. Đi học, đứa nào bắt nạt mẹ, dì nhảy tới đánh đứa đó ngay. Dì giống như “bảo kê” cho mẹ suốt hai năm học cấp 1. Học tới lớp 3, mẹ được lên lớp còn dì phải nghỉ học vì không theo kịp chúng bạn. Dì cũng chẳng thích học, chỉ thích ở nhà chăn trâu để chơi khăng và đánh trận giả.
Mười tám tuổi, dì cứ vô tư hồn nhiên như một đứa trẻ. Ai bảo gì, nói gì, dì chỉ cười hềnh hệch.
Đến tuổi cập kê, mẹ tôi dập dìu người tới dạm ngõ, dì vẫn phòng không. Dì chẳng quan tâm, còn bảo, mẹ tôi mà đi lấy chồng, dì sẽ đến ở cùng. Vậy mà thành thật. Ông bà ngoại lần lượt mất, dì dọn về ở với gia đình chúng tôi.
Năm tôi lên sáu mẹ bệnh nặng qua đời. Một tay cha nuôi năm đứa con, lại nuôi thêm cả dì. Cha nhân ái không nỡ để dì ở một mình côi cút. Dì vẫn sống trong nhà tôi, kêu cha tôi bằng dượng. Dẫu “ất ơ” vậy nhưng được cái dì có sức khỏe. Cha đi công tác xa nhà, mọi việc nặng nhọc trong nhà đều đến tay dì, từ đào mương, làm ruộng… Chỉ có điều, dì vụng về không biết nấu nướng, bắc nồi cơm cũng bên cháy bên ướt. Nhiều lúc dì khiến anh em tôi bực mình.
Đùng một cái, dì bảo với cha tôi là dì muốn lấy chồng. Cả nhà tôi nửa ngờ nửa tin. Mãi đến khi dì dẫn người đàn ông đó tới “ra mắt”, mọi người mới dám tin là thật. Nghe ông kể lại chuyện quen thân của hai người, chị em tôi đứa nào cũng lè lưỡi khen lãng mạn:
“Tôi hay đi chợ qua ngõ nhà ta, thấy bà ấy làm lụng chăm chỉ, lại hiền lành, có sức khỏe nên đem lòng thương. Hôm đó tôi đánh liều đọc câu thơ:
Mình về làm bạn với tôi
Chén cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Không ngờ bà ấy cũng ứng khẩu đối lại:
Cá khô kho với dọc mùng
Dẫu không đặc sản cũng là thuốc tiên
Tôi biết bụng bà cũng ưng tôi, nên mới tới thưa chuyện cùng gia đình dượng”.
Sợ dì bị người ta lừa, cha tôi cất công tìm hiểu hoàn cảnh người đàn ông nọ, biết ông là người hiền lành, lại là bộ đội về hưu, vợ mất, có ba đứa con lớn đã lập gia đình, giờ chỉ sống một mình nên muốn đón dì về bầu bạn tuổi già.
Tuy nhiên mấy người con của ông, dù không sống cùng nhà để an dưỡng tuổi già cho bố, lại không đồng ý việc bố mình đi thêm bước nữa.
Nhìn dì hạnh phúc ra mặt, lại thấy ông thật lòng thương dì, cha tôi đồng ý cho hai người về làm bạn với nhau. Cha bảo anh em tôi sắm cho dì mấy bộ quần áo, tặng dì ít của hồi môn rồi làm vài mâm cơm tiễn dì về nhà chồng.
Dì về sống với dượng, chỉ mới mấy tháng mà thay da đổi thịt hẳn, nhìn trẻ trung, da dẻ hồng hào và béo lên trông thấy. Dượng cũng trẻ khỏe ra vài tuổi. Tuần nào hai người cũng chở nhau bằng xe đạp về nhà tôi ăn cơm. Làng trên xóm dưới, ai cũng tấm tắc khen. Nhà tôi mừng cho hạnh phúc của dì dượng.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, dượng mất vì tai nạn làm cả nhà tôi choáng váng. Ba ngày sau khi dượng mất, ba đứa con của dượng cùng đám con cháu lũ lượt kéo tới… đuổi dì ra khỏi nhà. Dì xót thương chồng ốm liệt giường mà vẫn bị lũ con dượng lôi dậy, bắt gói ghém đồ đạc để chúng thu dọn nhà. Chúng “giúp” dì cuốn gói mọi thứ vào một chiếc bì tải, vứt chỏng chơ ngoài sân…
Dì lại về sống cùng gia đình tôi như ngày nào. Dì không còn vô tư, sống thầm lặng hơn và cũng ít cười nói hơn trước. Đêm nằm ngủ với dì, tôi cố chọc cười để làm dì vui, dì cũng chỉ gượng cười, mắt nhìn xa vắng. Tôi hiểu, dì đang nhớ dượng. Thương dì, tôi chỉ còn biết ôm dì vào lòng, thật chặt. Tôi thầm ước, giá như cái tính đôi lúc khờ dại của dì có thể giúp dì quên được dượng, quên được nỗi đau… Nhưng dường như, điều đó là không thể