Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng cần sơ cứu đúng cách, tránh bôi các loại kem đánh răng, nước mắm, xát lá trầu không lên vết bỏng.
Nhiều tai nạn thương tâm
Đang chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình, nấu xong nồi canh, chị Lan (ở Vĩnh Phúc) vội đặt ngay chiếc nồi nóng xuống nền đất rồi lại quay xuống bếp. Lúc ấy, cháu Minh con chị, 14 tháng tuổi, một mình bò chơi quanh nhà đã vấp phải nồi canh vừa sôi. Cháu bị bỏng vùng bụng, lưng và tay chân, đau đớn kêu khóc. Mẹ cháu trong lúc hốt hoảng đã dùng kem đánh răng bôi vào vết bỏng rồi vội vàng đưa con đi bệnh viện. Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, cháu Minh được chẩn đoán bỏng độ II. Các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh trước khi cho cháu đến đơn vị chuyên khoa bỏng để điều trị tiếp theo. Phải mất 3 tuần điều trị cháu mới được ra viện. Mặc dù không để lại hậu quả đáng tiếc, nhưng đây là bài học cảnh báo cho các bậc cha mẹ cần chú ý để phòng tránh cho con.
Theo BS Ngô Anh Vinh – Khoa Cấp cứu, BV Nhi T.Ư, đây chỉ là một trong nhiều tình huống tai nạn sinh hoạt rất đáng tiếc thường gặp ở trẻ em do bỏng gây ra. Lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là 2 - 5 tuổi. Ở tuổi này, trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm. Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, ngoài ra có thể là dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất.
Tại Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác từng cấp cứu cho nhiều trẻ em bị bỏng nước sôi, trong đó có những trường hợp bỏng rất thương tâm. Mới đây là trường hợp bé Phạm Ngọc M. (3 tuổi, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) bị bỏng nước sôi toàn thân với 67% diện tích cơ thể bị bỏng nặng, trong đó hơn nửa là bỏng sâu độ 3, độ 4. Còn tại Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn, mỗi tháng có gần 200 ca bỏng nhập viện điều trị, một nửa trong số đó là bệnh nhi, thương tâm là có những em bé mới chỉ đầy tháng. Gần 100% trường hợp này đều do sự bất cẩn của cha mẹ. BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, ngoài nguyên nhân bỏng do nồi cơm điện đang sôi, ấm siêu tốc, hầu như phòng bệnh nào cũng có trẻ bị bỏng do phích nước.
Xử trí đúng cách
Cách xử trí ban đầu khi trẻ bị bỏng, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, cần nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Động thái này nhằm mục đích giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. “Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ” - bác sĩ Vinh nhấn mạnh. Biện pháp tiếp theo là dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm. Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí và đánh giá tổn thương của bỏng.
Để phòng tránh bỏng lửa, nước sôi, bác sĩ Vinh khuyến cáo, để những thứ gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm, bật lửa … ở xa tầm với của trẻ và ở nơi gọn gàng, tránh để giữa đường đi khiến người khác va phải. Bên cạnh đó, các gia đình nên bố trí bếp và nơi đun nấu xa tầm với của trẻ và sắp xếp gọn gàng. Theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang bò và chập chững đi. Kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ. Không để trẻ tự vặn vòi nước nóng, nghiêm cấm trẻ đùa nghịch hoặc đến gần các hố vôi. Luôn nhắc nhở các cháu về phòng tránh tai nạn bỏng…