Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sổ tay kinh tế: Điều khó chấp nhận

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, có không ít DN Nhà nước (DNNN) lớn xin Nhà nước trợ cấp để thoát cảnh phá sản.

Đã có một thời gian dài tình trạng này tạm thời lắng xuống, nhưng thời gian gần đây, lại có một loạt DNNN lớn, dự án đầu tư bằng vốn ngân sách đề xuất xin trợ cấp khi lâm vào tình trạng khó khăn.

Gần đây nhất là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Hơn 10 năm trước (năm 2005), Tổng Công ty Hóa chất, nay là Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đã kiến nghị và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy có tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD (khoảng 10.673 tỷ đồng). Trong khi vốn tự có của Vinachem cho dự án này là 100 triệu USD thì phần lớn còn lại phải đi vay. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay lãi đâu chẳng thấy, chỉ thấy lãi vay ngày một tăng trong khi sản xuất, tiêu thụ thì đình trệ khiến số lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm (năm 2014 lỗ khoảng 500 tỷ đồng, năm 2015 là 370 tỷ đồng). Trước thực tế này, Vinachem đã có kiến nghị cho phép chuyển nợ vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền 2.708 tỷ đồng. Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ trong thời gian 5 năm (từ 2016 - 2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm. Vinachem cũng có đề nghị như vậy với khoản nợ vay của dự án tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Còn rất nhiều đề xuất xin ngược như thế từ Tổng Công ty Hàng hải, Tập đoàn Dầu khí, một số DNNN lớn khác… Tất cả những đề nghị như vậy, ở thời điểm này, chỉ có thể nói là khó chấp nhận bởi sự quá vô lý. Thực tế, những DN này, vốn dĩ đã nhận được quá nhiều ưu đãi: Từ mặt bằng sản xuất, được tiếp cận dễ dàng vốn vay ngân hàng, thường được xem xét ưu đãi về thuế... Trong khi không ít DN tư nhân không được hưởng nhiều ưu đãi vẫn đang bươn chải để phát triển, đóng góp cho ngân sách.

Vấn đề là cơ quan quản lý Nhà nước phải dứt khoát nói không với những lời "cầu xin" như vậy. Đã đến lúc không thể cứu trợ mãi mà phải chấp nhận quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các DN khác. Thực tế đã có không ít DN như Viettel, Vinamilk… đã đứng vững, phát triển từ chính những quyết tâm đó của mình.